Giá trị tiền thuốc nội địa sử dụng cả ở bệnh viện cũng như trên thị trường tự do đều chưa cao. Bình quân mỗi năm, một người Việt Nam chi 600.000 đồng mua thuốc nhưng hơn một nửa trong số đó dành cho thuốc ngoại. Những thông tin này được đưa ra tại chương trình truyền thông “Con đường thuốc Việt” do Bộ Y tế tổ chức ngày 20-12.
Bị “ghẻ lạnh”
Theo ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), công nghiệp dược nội địa đã có bước phát triển với 121 nhà máy sản xuất thuốc trong nước đạt tiêu chuẩn GMP. Tuy nhiên, tâm lý, thói quen sử dụng thuốc ngoại từ cả bác sĩ kê đơn đến người bệnh đã khiến cho chi phí bệnh tật trở nên nặng nề hơn. Giá trị tiền thuốc nội địa sử dụng trong bệnh viện (BV) cũng như trên thị trường tự do mới chỉ đạt xấp xỉ 48% tổng giá trị toàn thị trường.
Người bệnh đang cần những loại thuốc giá rẻ, chất lượng cao. Trong ảnh: Phát thuốc BHYT tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) Ảnh: NGỌC DUNG
PGS-TS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi trung ương, cho rằng thuốc nội đang yếu thế tại các BV tuyến cuối do bệnh nhân thường đã có kháng thuốc nên thuốc nội chỉ chiếm 5%-10% tổng số thuốc của BV. Chất lượng, mẫu mã thuốc nội đã cải thiện nhiều nhưng vẫn chưa tạo đủ niềm tin với bác sĩ và người dân. “Chỉ khi nào tất cả bác sĩ đều kê đơn thuốc nội cho con đẻ, cháu ruột mình thì lúc đó thuốc nội mới thực sự có chỗ đứng. Điều này phụ thuộc vào chính vai trò của nhà sản xuất” - bác sĩ Hải nói.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết một trong những khó khăn của doanh nghiệp sản xuất dược trong nước là chi phí cho quảng cáo và hoa hồng được quy định thấp (chỉ 5%-10%). Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài chi tới 30% cho quảng cáo. “Làm ra thuốc tốt nhưng không có chính sách quảng bá, tuyên truyền thuốc đến bác sĩ kê đơn và người bệnh thì thuốc nội cũng khó đến tay người bệnh” - bà Tiến nói. Vì vậy, thuốc Việt chưa được người dân biết nhiều dù thuốc nội chất lượng tốt, hình thức đẹp, giá thành lại rẻ, phù hợp với phần lớn người dân Việt Nam.
Cũng theo bà Tiến, năm 2013, Việt Nam đã nới rộng quy định, cho phép các doanh nghiệp được dành 15% chi phí cho quảng cáo. Như vậy, thuốc nội sẽ có cơ hội được nhiều người dân biết nhiều hơn. Bà Tiến cũng cho rằng để thuốc nội không bị lép vế trên sân nhà thì các doanh nghiệp dược phải đầu tư nghiên cứu, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm chứng minh hiệu quả điều trị của sản phẩm tương đương với thuốc ngoại.
Tiền nào của nấy!
Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Traphaco, nhận định không thể đòi hỏi một sản phẩm thuốc rẻ nhất lại có chất lượng tốt. Cần phải hướng tới cơ chế ưu tiên các sản phẩm thuốc có hiệu quả điều trị cao và giá thành hợp lý chứ không phải thấp nhất. Tuy nhiên, bà Thuận lo ngại nếu thuốc có giá cao thì khi đấu thầu vào BV, thuốc Việt lại dễ bị “hất ra”.
Cho rằng chất lượng thuốc nội sẽ ghi điểm đối với người dân chứ không phải giá cả, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, nêu thực tế những thuốc chiếm thị phần lớn trong các BV đa số của các công ty chịu đầu tư nâng cao chất lượng và có thử tương đương sinh học với các thuốc ngoại khác. “Khi các bác sĩ thấy thuốc nội có hiệu quả điều trị tốt ngang với thuốc ngoại, họ sẽ hạn chế kê đơn thuốc ngoại giá cao” - bà Lan nhìn nhận.
Hiện ở TP HCM, trung bình, các BV dùng khoảng 48%-50% thuốc Việt. Nhưng tại các BV chuyên khoa như ung thư, nhãn khoa, ngoại khoa chỉ còn 5%-10%. “Sự chênh lệch này cũng dễ hiểu. Thuốc Việt dù đã cố gắng nhưng lượng thuốc đặc trị khiêm tốn so với thuốc thông thường nên với những trường hợp bệnh nặng ở tuyến trên, BV buộc phải điều trị bằng các loại biệt dược, đặc trị. Hơn nữa, tiền chi cho thuốc ở mỗi nơi mỗi khác nên các BV cũng buộc phải “liệu cơm gắp mắm” cho phù hợp với “ví” BHYT” - bà Lan nói.
Đánh giá điểm yếu của thuốc nội là chưa có nhiều thuốc đặc trị, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng cần có sự chỉ đạo, định hướng để các công ty dược không sản xuất dàn trải, tập trung vào cùng một loại thuốc thông thường mà nên đầu tư sản xuất các thuốc còn thiếu, còn phải nhập khẩu nhiều. Bà Lan đề nghị: “Hiện nay, các công ty dược Việt vừa phải cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài lại phải tự cạnh tranh lẫn nhau. Cần phải hạn chế cấp số đăng ký cho các thuốc ngoại mà trong nước có thể sản xuất được. Đồng thời, phân vùng, phân tuyến để các công ty không sản xuất “giẫm chân” lên nhau”.
Để tăng cường việc kê đơn thuốc nội trong BV, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, sắp tới, bộ sẽ điều chỉnh thông tư về quy định kê đơn, yêu cầu các bác sĩ ưu tiên thuốc nội. Ngoài ra, danh mục thuốc BHYT cũng sẽ ưu tiên thuốc nội, chỉ có những biệt dược mà Việt Nam không có mới dùng thuốc ngoại.
Tôn vinh thuốc Việt tốt
Theo Cục Quản lý dược, mỗi năm, chương trình “Con đường thuốc Việt” sẽ bình chọn và tôn vinh 100 sản phẩm thuốc Việt Nam tốt về chất lượng, bảo đảm hiệu quả điều trị, an toàn trong sử dụng thuốc và được hội đồng chuyên môn đánh giá cao, được người dân tin cậy sử dụng. “Con đường thuốc Việt” đặt kỳ vọng sẽ trở thành một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng thuốc Việt.
Bình luận (0)