Bạn đọc Phạm Thị Minh Nguyệt (nữ, 50 tuổi; quận 4, TP HCM) hỏi: Chào bác sĩ, khoảng 3 tháng nay tôi rất hay bị chuột rút tay, chân, nhất là đêm nằm ngủ, khi ngồi hoặc đứng lâu một chỗ. Cảm giác chuột rút khá nặng, có lúc bị ngay đùi rất đau, bị thường xuyên đến nỗi dường như ngày nào cũng có một vài cơn nặng hoặc nhẹ. Xin bác sĩ cho hỏi chuột rút có thể là biểu hiện của những bệnh gì? Tôi khá ít thời gian để tập luyện (tôi đang kinh doanh tại gia, trong ngày chủ yếu đứng bán hàng), hiện ăn kiêng (giảm thịt cá, cơm) không biết đó có phải nguyên nhân?
Bác sĩ chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), trả lời:
Chào chị, triệu chứng như mô tả của chị (bị chuột rút đau cơ chân, nhiều về đêm…) là tình trạng căng cơ do nhiều nguyên nhân gây ra.
Nguyên nhân thường gặp là do hạ canxi máu, hạ kali máu. Tình trạng này có thể do nguồn cung cấp canxi và kali qua thức ăn không đủ, ví dụ như chế độ ăn kiêng không cân đối. Canxi có nhiều trong trứng, sữa, cá, tôm, hải sản…; kali có nhiều trong trái cây, các loại đậu, bí đỏ… Chị nên bổ sung các thức ăn này.
Ở tuổi của chị, nhiều phụ nữ cũng phải bổ sung thêm canxi bằng thuốc uống (Calci D, Calcium Sandoz, Calicium Corbiere…). Những thuốc này nên được chỉ định bởi bác sĩ, vì vậy nếu việc bổ sung canxi, kali bằng thức ăn không giúp tình trạng chuột rút được đẩy lùi hiệu quả, chị nên đi khám để được tư vấn trực tiếp.
Tuổi tác và công việc phải đứng nhiều, lâu của chị còn có thể đưa tới một nguyên nhân gây chuột rút nữa là tình trạng suy van tĩnh mạch, giãn tĩnh mạch chân. Để xác định, chị cần đi khám, siêu âm Dopler mạch máu chân, khi đó bác sĩ sẽ tư vấn và kê toa phù hợp.
Chị cũng cần tránh vận động quá sức bởi đó cũng là một nguyên nhân có thể gây chuột rút. Nên nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục thường xuyên, vừa sức và hợp với độ tuổi, hạn chế việc ngồi hoặc đứng quá lâu một chỗ.
Bình luận (0)