Thông tin trên được Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Phan Văn Mãi cho biết trong cuộc họp báo cung cấp thông tin về phòng chống dịch Covid-19 tại TP vào chiều 28-7.
Theo ông Phan Văn Mãi, để đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19, TP HCM sẽ triển khai tiêm cho người dân sau 18 giờ, đơn giản hóa quy trình cũng như lực lượng tham gia đội hình tiêm vắc xin.
"Chúng ta có quy định sau 18 giờ không được đi ra đường. Tuy nhiên, nếu tổ chức tiêm vắc-xin trước 18 giờ thì sẽ bị giới hạn. Vì vậy, TP HCM sẽ bắt đầu tổ chức tiêm vắc-xin sau 18 giờ cho những ngày sắp tới. Tuy nhiên, cần có những quy định cụ thể bộ nhận diện để người đi tiêm vắc-xin được ra đường sau 18 giờ. Đây là điểm mới chúng tôi vừa thống nhất để triển khai trong thời tới" - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM cho biết.
Tại cuộc họp báo, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho hay đến chiều 27-7, đã có gần 300.000 người được tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Trong đó, 30.000 người trên 65 tuổi, 243.000 người ngoài cộng đồng và 21.000 người thuộc các đối tượng khác.
"Chúng tôi đã tăng tốc độ tiêm, riêng ngày 27-7 đã có gần 70.000 người được tiêm vắc-xin Covid-19. Trong hôm nay và vài ngày tới sẽ tiếp tục duy trì tăng tiến độ để đảm bảo từ 2-3 tuần sẽ hoàn thành tiêm cho người dân" – bác sĩ Nam nhấn mạnh.
Về việc tiêm vắc-xin Covid-19 tại khu vực phong tỏa, theo bác sĩ Nam, sau khi người dân được test nhanh âm tính vẫn có đủ điều kiện được tiêm. "Vấn đề là chúng ta sẽ tổ chức như thế nào để người dân không tập trung đông người. Ngành y tế đã có hướng dẫn trước đó" – bác sĩ Nam nói.
Người mắc bệnh nền được tiêm vắc-xin Covid-19 tại Bệnh viện quận 11, TP HCM.
Về việc vài ngày qua, có một số người dân từ Đồng Nai, Bình Dương trở về miền Tây đi qua TP HCM, ông Phan Văn Mãi cho biết do TP thực hiện Chỉ thị 16 gần như tất cả các địa bàn nên việc đi lại rất khó khăn.
"Hôm qua, có mấy trăm bà con đi về tất cả các tỉnh, thành ở ĐBSCL nhưng vướng lại ở đoạn của huyện Bình Chánh và Long An do đang trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16. Vì vậy, việc đi lại cần phải thực hiện theo quy định. Nếu bà con tự đi thì sẽ rất khó cho các cơ quan phòng chống dịch. Chúng tôi đề nghị bà con cần đăng ký với các địa phương để các địa phương trao đổi với nhau và tổ chức cho bà con về nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe và cũng dễ cho các cơ quan các địa phương tiếp nhận ,quản lý theo quy định phòng chống dịch" - ông Phan Văn Mãi nhắn nhủ.
Trong khi đó, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP HCM, cho biết từ ngày hoạt động 22-7 đến nay 28-7, tổng đài 1022 đã nhận được hơn 217.700 cuộc gọi của người dân. Trong đó, 12.100 cuộc gọi được tổng đài viên tiếp nhận, hỗ trợ, gửi thông tin về địa phương và đã xử lý được 70,20% số lượng thông tin cuộc gọi của người dân chuyển đến.tại buổi cung cấp thông tin tuyên truyền, phòng chống dịch Covid-19 của TP vào chiều 28-7.
Theo lãnh đạo Sở Thông tin - Truyền thông TP HCM, với tổng đài viên 120 người trực 24/24 giờ nhưng do số lượng cuộc gọi của người dân gọi tới cùng thời điểm quá lớn nên đã xảy ra tình trạng không thể đáp ứng kịp thời và không được tiếp nhận của tổng đài viên.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP HCM, cung cấp thông tin tại buổi họp báo chiều 28-7
Để khắc phục tình trạng này, lãnh đạo Sở Thông tin - Truyền thông TP HCM đã đưa ra một số giải pháp. Cụ thể, sở đã kết hợp với Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Thông tin - Truyền thông ứng dụng các công nghệ để tiếp nhận cuộc gọi nhiều hơn.
Bên cạnh đó, tăng lực lượng tình nguyện viên, tăng lực lượng tổng đài viên để có thể tiếp nhận cuộc gọi của người dân. Ngoài ra, Sở Thông tin - Truyền thông TP HCM còn giới thiệu các đường dây nóng của các sở, ngành, quận, huyện giúp người dân có thể gọi trực tiếp để được hỗ trợ.
TP HCM cũng đang nghiên cứu thử nghiệm, dự kiến khoảng vài ngày nữa sẽ đưa vào ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tham gia nhận cuộc gọi của người dân. Dự kiến, ứng dụng này có thể tiếp nhận khoảng 3.600 cuộc gọi/ giờ.
Liên quan tổng đài 115, hiện có tình trạng nghẽn mạng. Mục tiêu của tổng đài 115 là sẽ tiếp nhận tất cả các cuộc gọi của người dân. Trước đây, tổng đài 115 chỉ có 6 đường truyền với 1.200 cuộc gọi/ ngày, sau đó nâng lên 14 đường truyền với 5.000 cuộc gọi/ ngày. Tuy nhiên, thời gian vừa rồi rơi vào cao điểm nên cũng không thể đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Nhằm khắc phục tình trạng này, TP HCM đã chỉ đạo mở một tổng đài dã chiến tại Công viên Phần mềm Quang Trung với số đường truyền là 40 và có thể tăng lên tối đa 100. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường lực lượng tổng đài viên là tình nguyện viên từ các trường đại học của ngành y để tiếp nhận đầy đủ cuộc gọi của người dân.
Trả lời tại cuộc họp báo về vấn đề Công ty Vissan xin tạm dừng hoạt động 3-4 tuần, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết việc Vissan tạm ngừng cung cấp thịt sẽ có ảnh hưởng đến quá trình phân phối hàng tại một số siêu thị. Tuy nhiên, Vissan chỉ chiếm khoảng 10% thị phần, vẫn còn nhiều nhà cung ứng thịt khác như CP, CJ... có khả năng cung ứng bổ sung thịt heo cho TP.
Về danh mục hàng hóa thiết yếu và việc vận chuyển hàng hóa khi thực hiện Chỉ thị 16, ông Phương cho hay thời gian qua chủ yếu tập trung vào mặt hàng lương thực, thực phẩm. Do đó, một số mặt hàng chưa được tạo thuận lợi cho vận chuyển như xà bông, chất tẩy rửa, giấy vệ sinh, kem đánh răng...
"Chiều nay, Sở Công Thương sẽ phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tham mưu với lãnh đạo TP HCM để có thể linh động trong việc vận chuyển hàng hóa tiêu dùng thiết yếu lưu thông vào TP" - ông Phương nói.
Bình luận (0)