Chiều 30-9, tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM về giám sát việc thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị vật tư y tế tại Bệnh viện quận 11, bác sĩ Phạm Quốc Dũng, Giám đốc bệnh viện, cho biết theo các quy định hiện hành về đấu thầu thuốc danh mục mua sắm thuốc được chia nhỏ ra nhiều hình thức: tập trung cấp địa phương, tập trung cấp quốc gia, đàm phán giá, bệnh viện tự tổ chức mua sắm.
Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP HCM làm việc với Bệnh viện quận 11 về thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị vật tư y tế
Tuy nhiên, trong thời gian chờ kết quả của các gói thầu mua sắm tập trung thì xảy ra tình trạng thiếu thuốc nhưng không thể tự tổ chức mua sắm do các thuốc này nằm trong danh mục mua sắm tập trung.
Bên cạnh đó, đa phần giá thiết bị y tế, thuốc sẽ tăng theo thời gian vì tình hình kinh tế chung, nhưng theo quy định, giá trúng thầu sẽ không được vượt giá kế hoạch, giá kế hoạch năm sau được lập nên dựa vào giá trúng thầu năm trước. Như vậy, giá mỗi năm sẽ giảm đi, giá đưa ra quá thấp sẽ ít nhà thầu tham gia. Hoặc, với giá đó, chất lượng thuốc sẽ không đảm bảo, người bệnh sẽ chịu thiệt thòi lớn.
Bác sĩ Phạm Quốc Dũng, Giám đốc Bệnh viện quận 11, báo cáo tình hình hoạt động của bệnh viện
Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, dược sĩ Trương Minh Quang, Trưởng khoa Dược của Bệnh viện quận 11, cho hay bệnh viện phải sử dụng thuốc khác có cùng chức năng hoặc tương đương, hoặc bệnh nhân phải tự mua.
"Hiện nay, bệnh viện không thể tự mua thuốc mà bệnh viện lựa chọn được vì vướng thủ tục pháp lý. Thuốc đấu thầu tập trung chiếm 20% số lượng thuốc của bệnh viện, nhưng bệnh viện không được lựa chọn loại thuốc, đưa về loại nào, bệnh viện phải dùng loại đó. Bệnh viện được đấu thầu 80%, nhưng chỉ mua được đúng thuốc khoảng 60% vì nhiều nguyên nhân" - dược sĩ Quang nói.
Dược sĩ Trương Minh Quang, Trưởng Khoa Dược của Bệnh viện quận 11, nêu những bất cập trong đấu thầu thuốc
Trước tình hình thực tế đó, dược sĩ Quang đề xuất bệnh viện sẽ không tham gia đấu thầu nữa. BHYT hoặc Trung ương, địa phương đấu thầu xong, bệnh viện sẽ mua lại. BHXH sẽ đưa ra mức trần của một nhóm thuốc, một hoạt chất, nếu bệnh viện mua vượt thì phải tự xử lý phần chênh lệch; dưới mức trần BHYT sẽ chi trả. Khi đó, bệnh viện sẽ không cần phải đấu thầu nữa.
Đại diện Sở Y tế TP HCM cũng cho rằng theo quy định đấu thầu hiện hành, giá thuốc trúng thầu mỗi năm sẽ thấp đi, gây ra khó khăn cho các đơn vị khi mua sắm. Thậm chí, việc xác định giá đấu thầu rất khó để thực hiện, không mua sắm được. Có nơi phải mua thuốc ngoài để phục vụ cho bệnh nhân, BHYT sẽ không thanh toán lại, bệnh nhân cũng không thể chi trả thì bệnh viện phải tự "gánh" khoản này.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, đánh giá cao sự cố gắng của Bệnh viện quận 11. Dù dịch bệnh khó khăn nhưng doanh thu hằng năm có tăng, đảm bảo đời sống cho nhân viên y tế. Những đề xuất của bệnh viện, đoàn sẽ ghi nhận và kiến nghị đến Quốc hội.
Bình luận (0)