Ngày 24-6, Sở Y tế TP HCM cho biết để đảm bảo an toàn khi có sự cố xảy ra trong quá trình tiêm vắc-xin Covid-19, TP đã huy động hệ thống cấp cứu của các bệnh viện trên địa bàn cùng tham gia xử trí.
Theo Sở Y tế, các ê kip cấp cứu sẽ chia thành 2 điểm. Cụ thể:
- Các khu công nghiệp, khu chế xuất có 22 kíp cấp cứu (1 bác sĩ, 1-2 điều dưỡng, 1 tài xế) và xe cứu thương thường trực tại điểm tiêm. Nhiệm vụ là phối hợp với bác sĩ tổ tiêm chủng phụ trách theo dõi phản ứng sau tiêm sau khi xử trí tại chỗ, nếu cần hỗ trợ chuyển viện an toàn.
Ngoài ra, còn có 21 tổ chuyên gia thường trực tại điểm tiêm (1 bác sĩ và 1 điều dưỡng chuyên về hồi sức cấp cứu kèm vali hồi sức cấp cứu). Nhiệm vụ là chỉ huy chuyên môn cấp cứu tại chỗ, hỗ trợ xử trí cấp cứu nâng cao và chuyển viện.
Danh sách đội xe cấp cứu tại các điểm tiêm gồm nhiều bệnh viện trên địa bàn TP HCM tham gia. (Ảnh: Sở Y tế TP HCM)
- Các điểm tiêm chủng quận - huyện: Sở Y tế TP HCM đã phân công, bố trí lực lượng tại 96 điểm tiêm chủng cộng đồng. Trong đó, căn cứ theo nguồn lực tại chỗ của điểm tiêm, bố trí các đội tiêm, vị trí địa lý, phương tiện tại chỗ cho phù hợp. Đảm bảo khi có sự cố thì có lực lượng tại chỗ xử trí ban đầu thuộc đội tiêm chủng, huy động báo động đỏ xe cấp cứu tại các bệnh viện được phân công và chuyển bệnh an toàn (nếu có chỉ định).
Nhân viên y tế tiêm vắc-xin Covid-19 cho các đối tượng ưu tiên tại điểm tiêm ở Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP HCM. (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)
Song song đó, quy trình báo động đỏ của các bệnh viện luôn sẵn sàng khi nhận được tín hiệu. Sở Y tế TP HCM cũng giao Trung tâm Cấp cứu 115 chịu trách nhiệm điều phối toàn bộ hoạt động cấp cứu cho chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trên địa bàn TP.
Bình luận (0)