Tại buổi họp báo định kỳ về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM chiều 22-11, phóng viên đã phản ảnh về việc một số phường của quận 12 khi cung cấp mã định danh cho trẻ thì yêu cầu phải đóng tiền.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP HCM, cho biết trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an đã định danh cá nhân cho toàn bộ công dân, kể cả trẻ mới sinh đều có mã định danh, đồng thời yêu cầu công an các địa phương thông báo mã này đến các hộ gia đình và cá nhân.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP HCM, thông tin tại buổi họp báo chiều 22-11
"Thủ tục này không thu phí. Phản ánh của phóng viên, chúng tôi sẽ ghi nhận và thông tin đến Công an quận 12 để xác minh và trả lời cụ thể. Tôi xin khẳng định thủ tục về thông báo mã định danh cá nhân là hoàn toàn miễn phí" - thượng tá Hà nhấn mạnh.
Cũng tại buổi họp báo, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM, cho biết 100% doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm đã hoạt động trở lại với công suất 85%, riêng doanh nghiệp sản xuất phục vụ xuất khẩu đạt 100%.
Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, trả lời tại buổi họp báo
Theo ông Tú, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng do đứt gãy nhân lực, thiếu nguyên liệu. Từ giữa tháng 9, TP HCM ban hành Kế hoạch số 3066, trong đó có các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp gồm các gói tín dụng, tổ chức sản xuất - kinh doanh, chăm lo đời sống người lao động, liên kết vùng hỗ trợ kết nối cung cầu…
“Thời gian gần đây, Sở Công Thương cũng có nhiều triển khai, kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, đưa gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, đồng thời tổ chức khuyến mãi, tập trung thúc đẩy kích cầu sản xuất để doanh nghiệp yên tâm hoạt động” - ông Tú dẫn chứng.
Về chợ đầu mối, đến nay, tổng cộng 3 chợ đạt nguồn hàng 3.051 tấn. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có 2 chợ đầu mối ở Hóc Môn và Bình Điền hoạt động, riêng chợ đầu mối tại TP Thủ Đức vẫn là trạm trung chuyển. Về hoạt động của các chợ truyền thống, hiện TP có 180/234 chợ mở lại, dự kiến tuần này có thêm 3 chợ hoạt động.
Về việc bình ổn giá nguyên phụ liệu, từ đó bình ổn giá hàng thiết yếu, Sở Công Thương TP HCM cho biết giá tăng là theo đà của giá nguyên liệu tăng, chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng do phải gồng gánh thêm chi phí chống dịch. "Không chỉ nguyên liệu đầu vào tăng mà giá nhiên liệu cũng tăng. Do đó, để đáp ứng được nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp bình ổn thị trường vẫn đóng vai trò chủ lực điều tiết từng giá cả nhằm đảm bảo từ đây đến cuối năm giữ vững giá giống như mọi năm" - ông Tú nêu rõ.
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM, 37.949 lao động đã quay trở lại TP làm việc, trong đó lao động ở vùng Tây Nam Bộ khoảng 14.745 người, Tây Nguyên 478 người, còn lại ở các tỉnh miền Đông hơn 22.000 người.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM, thông tin tại buổi họp báo
Tính đến ngày 22-11, TP HCM đã hỗ trợ hơn 8.812.726 trường hợp gặp khó khăn với tổng số tiền hơn 12.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, quỹ bảo hiểm thất nghiệp giải quyết cho 45.594 doanh nghiệp với hơn 1 triệu lao động - tổng số tiền 33.900 tỉ đồng.
“Về chính sách đưa người lao động trở lại TP HCM làm việc, chúng tôi sẽ thông tin đến Sở Lao động – Thương binh và xã hội ở các tỉnh, thành có người lao động làm việc tại TP. Trước mắt, chúng tôi đã thông tin đến tỉnh Gia Lai, miền Trung và các tỉnh, thành phía Bắc về nhu cầu ngành nghề, chính sách hỗ trợ người lao động. Từ giờ đến cuối năm, có thể các doanh nghiệp sẽ hoạt động ổn định” - ông Lâm cho biết.
Bình luận (0)