Tại TP HCM, hiện nay, ngoài quận 8 chưa xuất hiện ca bệnh do virus Zika, tất cả các quận - huyện còn lại đã xuất hiện virus này với hơn 200 người nhiễm bệnh.
Gần 12.000 “điểm đen”
Tháng 11-2016 là thời điểm dịch Zika bùng phát, đến nay, 23/24 quận - huyện TP đều có virus Zika hiện diện, cụ thể tại quận Bình Thạnh (36 ca), quận 2 (28 ca), Thủ Đức (16 ca), quận 12 (15 ca), quận 9 (13 ca), quận Tân Phú (12 ca)...
Theo Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, muỗi vằn (Aedes aegypti) vừa truyền bệnh do virus Zika vừa truyền bệnh sốt xuất huyết. Nếu một cá thể muỗi vằn vừa mang virus Zika và virus Dengue thì có thể cùng lúc truyền 2 loại bệnh nói trên. Các trường hợp nhiễm bệnh do virus Zika hiện chủ yếu xảy ra ở phía Nam.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết hiện trên địa bàn TP còn 11.830 điểm nguy cơ vẫn đang được giám sát do dịch bệnh Zika và sốt xuất huyết. Do có cùng trung gian truyền bệnh nên hoạt động phòng chống cả hai bệnh này phải ghép với nhau. Tuy nhiên, hiện hoạt động diệt muỗi còn gặp khó khăn.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch bệnh do virus Zika vẫn là thách thức lâu dài, đòi hỏi phải có kế hoạch dài hạn, đặc biệt là trong bối cảnh tần suất giao lưu, xuất nhập cảnh cao, biến động dân cư mạnh. Dự báo bệnh sẽ gia tăng ở các tỉnh, thành phía Nam bởi khu vực này thuộc vùng lưu hành của muỗi vằn.
PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, đánh giá Zika vẫn là thách thức lâu dài đối với Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Theo ông Lân, do bệnh lây qua vật trung gian truyền bệnh nên kiểm soát kém hiệu quả, khó phát hiện. “Không riêng gì tại TP HCM, dự báo năm 2017, bệnh do virus Zika sẽ gia tăng tại tất cả tỉnh, thành khu vực phía Nam” - ông Lân cảnh báo.
Công nghệ mới dập dịch
Trước thực trạng dịch bệnh do virus Zika đang “phủ sóng” diện rộng tại TP HCM, nhiều giải pháp phòng chống đã và đang được triển khai. Trong đó, đáng lưu ý là việc ứng dụng phần mềm kiểm soát bệnh Zika.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, ứng dụng này (gọi tắt là GIS) đã được thí điểm tại 6 phường - xã của 3 quận - huyện trong năm 2016 và sẽ triển khai đại trà cho các phường - xã, quận - huyện trong năm 2017. Khi phát hiện các ca bệnh Zika, sốt xuất huyết và một số dịch bệnh khác, các bệnh viện (BV) sẽ chuyển thông tin đến Trung tâm Y tế dự phòng TP và các trạm y tế. Từ đó, các đơn vị tiếp nhận sẽ xác định được ngay vị trí địa lý, kịp thời có các phương án phòng chống hiệu quả.
Ngoài ra, ngành y tế cũng triển khai dập dịch bằng kỹ thuật phun mù nhiệt theo công nghệ Singapore. Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, cho hay kỹ thuật này có ưu điểm hơn so với kỹ thuật phun hóa chất diệt muỗi trước đây nhờ kích thước hạt thuốc siêu nhỏ, phát tán nhanh ra khu vực rộng, tồn lưu lâu trong không khí, có thể len lỏi được trong các bụi rậm…
Các chuyên gia khuyến cáo việc phun hóa chất diệt muỗi hiện chỉ là biện pháp cấp bách tạm thời. Biện pháp hiệu quả, căn cơ nhất vẫn là người dân chủ động phòng bệnh. Hiện nay, các BV phụ sản và khoa sản của các BV trên địa bàn TP đang tích cực tư vấn, tuyên truyền cách phòng tránh cho sản phụ và người dân.
Hiện ở TP HCM, 2 BV phụ sản Từ Dũ và Hùng Vương đã thực hiện biện pháp chọc nước ối đối với những thai phụ đã mắc Zika trước đó để xem thai nhi có bị nhiễm virus Zika hay không nhằm có hướng xử lý. Bác sĩ Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc BV Từ Dũ, lưu ý người mắc bệnh Zika lúc đầu có cảm giác sốt nhẹ, đau nhức các khớp, phát ban, xung huyết vùng mắt. Cách phòng bệnh tốt nhất của các thai phụ là tìm mọi cách không để muỗi chích.
Singapore phát hiện ổ Zika mới
Theo WHO, cập nhật đến thời điểm này, virus Zika đã lưu hành ở 73 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, trong đó khu vực bùng phát bệnh nghiêm trọng nhất là Nam Mỹ. Đáng chú ý, tại Singapore mới đây đã phát hiện ổ Zika mới. Cơ quan Môi trường quốc gia nước này cảnh báo khả năng virus sẽ lây lan rộng hơn nữa tại quốc gia xanh - sạch thuộc loại nhất thế giới này.
Bình luận (0)