Cụ thể, bác sĩ Huỳnh Trung Hiếu, Khoa Nhi Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Tây Ninh, cho hay vào ngày 1-6, khi đi bơi ở hồ bơi bé trai bị đuối nước trong thời gian khoảng 2 phút. Sau khi được sơ cứu tại Trung tâm Y tế Trảng Bàng, bệnh nhi được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Tây Ninh trong tình trạng suy hô hấp cấp, sốt cao, lơ mơ, kích thích, thở gắng sức.
Bệnh nhi được chuyển về Khoa Nhi để theo dõi và điều trị tích cực. Tại đây, bé được chỉ định thở áp lực dương liên tục qua mũi (NCPAP), ủ ấm bằng đèn, kháng sinh, giảm đau, hạ sốt, cân bằng điện giải… Sau hơn một ngày điều trị, bệnh nhi đã vượt qua cơn nguy kịch, đáp ứng tốt với điều trị. Dự kiến khoảng 3 ngày nữa bệnh nhân sẽ được xuất viện.
Bệnh nhi bị đuối nước đã ổn định sức khoẻ sau nhiều ngày điều trị tích cực. Ảnh: BVCC
Theo bác sĩ Hiếu, trẻ bị đuối nước tử vong hoặc có các biến chứng nặng như suy hô hấp, viêm phổi, hoặc di chứng tổn thương não do thiếu oxy kéo dài là do phần lớn trẻ không được cấp cứu hoặc cấp cứu không đúng cách. Những thao tác đầu tiên của cấp cứu hồi sức ban đầu góp phần quan trọng trong việc cứu sống tính mạng của trẻ. Trường hợp của bé trai rất may mắn được sơ cấp cứu ban đầu và nhập viện điều trị kịp thời.
"Hiện tại đang vào kỳ nghỉ hè, cũng là thời điểm gia tăng cao tai nạn đuối nước, để hạn chế tình trạng trẻ đuối nước cha mẹ không nên để trẻ chơi hoặc bơi một mình mà không giám sát, không cho trẻ chơi gần ao hồ, sông suối…đặc biệt trẻ nhỏ. Khi tắm ở hồ bơi, tắm biển, cha mẹ phải mặc áo phao cho trẻ, luôn quan sát, theo dõi trẻ trong suốt quá trình vui chơi" - bác sĩ Hiếu khuyến cáo.
Nếu chẳng may xảy ra đuối nước, khi sơ cấp cứu trẻ tuyệt đối không được dốc ngược người trẻ lên vai rồi chạy mà không tiến hành ép tim và hô hấp nhân tạo cho trẻ… Điều này kéo dài thời gian thiếu oxy não gây ra những di chứng ở não sau này nếu trẻ còn sống. Ngay khi phát hiện trẻ bị đuối nước, cần khẩn trương sơ cứu và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, điều trị kịp thời, tránh những hậu quả, di chứng nguy hiểm.
Bình luận (0)