Để phòng ngừa vẹo cột sống, từ lúc trẻ còn bú đến 3 tuổi cần cho ăn uống đúng chế độ với đầy đủ thành phần dinh dưỡng, thường xuyên tiếp xúc với không khí trong sạch, vệ sinh giấc ngủ, phòng ngừa còi xương cho trẻ và cho trẻ tập luyện vận động phù hợp với lứa tuổi.
Ở tuổi học cấp I, cấp II (7 – 9 tuổi và 12 – 14 tuổi) là lúc vẹo cột sống tiến triển nhanh nhất. Khi phát hiện trẻ vẹo cột sống phải tới thầy thuốc chỉnh hình để trẻ được thường xuyên nằm giường bột, thủy trị liệu, xoa bóp các cơ, nhất là cơ hai bên cột sống. Khi đưa trẻ đến trường, cần chú ý bàn ghế phù hợp với chiều cao của trẻ khi ngồi học, phải cho ngủ giường cứng, gối nhỏ.
Nếu vẹo cột sống không tiến triển, có thể điều trị ngoại trú, thể dục trị liệu. Phải giảm chịu lực cho cột sống, không nên có những vận động gây căng thẳng cho hệ thống dây chằng của cột sống. Những môn thể thao nên chơi như: trượt patin, bóng rổ, bóng chuyền, bơi lội… và những bài thể dục nằm ngửa, nằm sấp hoặc tì lên tứ chi đều tốt hơn là đứng trên hai chân.
Trẻ vẹo cột sống cần được theo dõi sát sao của thầy thuốc chỉnh hình và phải được thực hiện khắt khe các bài tập chữa bệnh. Điều trị bảo tồn vẹo cột sống là hợp nhất các phương pháp sau đây: thể dục trị liệu, giường bột hoặc yếm bột từng giai đoạn, thiết bị nắn chỉnh từng giai đoạn, yếm bằng nhựa hoặc vải dày có cốt nhôm, nhựa để điều chỉnh, nâng đỡ và mang liên tục.
Với trẻ lớn và vẹo cột sống từ độ 2 trở lên có thể thực hiện kéo dãn cột sống trên giường kéo. Dùng giường bột hoặc kéo dãn cần thực hiện cách quãng và xen kẽ là xoa bóp và vật lý trị liệu. Các phương pháp điều trị trên luôn phải kết hợp với chế độ dinh dưỡng tốt và thuốc nâng cao tổng trạng cho trẻ.
Bình luận (0)