Sáng 19-10, Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP HCM đã có buổi giám sát về tình hình thực hiện đề án y tế thông minh tại Bệnh viện Hùng Vương.
Đăng tuyển quanh năm vẫn thiếu người
Báo cáo tại buổi giám sát, PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho biết đơn vị đã có nhiều hoạt động triển khai y tế thông minh gồm kiện toàn hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), nâng cấp phần mềm điều hành hoàn chỉnh, đào tạo đội ngũ nhân viên đủ năng lực vận hành. Bệnh viện Hùng Vương là bệnh viện đầu tiên triển khai ứng dụng CNTT ở TP HCM. Tuy nhiên, việc phát triển CNTT tại bệnh viện chưa phát triển mạnh bởi chịu nhiều yếu tố tác động, ảnh hưởng.
Về kiện toàn hạ tầng CNTT, bác sĩ Tuyết cho biết bệnh viện đã đạt 6/7 tiêu chí ứng dụng CNTT theo Thông tư 54/2017 của Bộ Y tế. Dự án phát triển hệ thống an ninh mạng và WiFi cho bệnh viện vẫn chưa hoàn thành. Đây là trăn trở suốt 3 năm qua nhưng chưa giải quyết được. "Nguyên nhân là khi thành lập dự án gửi qua các cơ quan liên quan, đến khi nhận được quyết định cho phép thì máy móc lỗi thời. CNTT là ngành phát triển nhanh, nếu đi chậm thì kỹ thuật sẽ trở nên lạc hậu, tiếp tục làm thì lại lãng phí. Không có hạ tầng CNTT thì không thể làm gì được. Đây là điều quan trọng nhưng chúng tôi đang bị bế tắc" - bác sĩ Tuyết nói.
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết phát biểu tại buổi giám sát
Bên cạnh đó, bệnh viện cũng khó tìm được nhân viên CNTT năng lực cao do mức lương chi trả cho lực lượng này thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung. "Đăng tuyển quanh năm suốt tháng mà vẫn không tuyển được. Dù có người nộp đơn nhưng lại không phù hợp với nhu cầu của bệnh viện. Hiện chưa có cơ chế rộng mở nên nhiều khi làm rất hồi hộp vì không biết trả lương như thế nào, trả như vậy có đúng quy định của nhà nước hay không…" - bác sĩ Tuyết nói. Vì vậy, Bệnh viện Hùng Vương kiến nghị cần có cơ chế thanh toán, hướng dẫn chi tiết về lương của nhân viên CNTT để các bệnh viện mạnh dạn tuyển dụng.
Đối với bệnh án điện tử, tại bệnh viện triển khai từ năm 2020. Tuy nhiên, việc thực hiện vô cùng khó khăn. Hiện tiến độ bệnh án ngoại trú đạt 100%, bệnh án nội trú sản khoa 99%, phụ khoa 60% và sơ sinh 40%. Bệnh viện đặt mục tiêu trong năm 2023 sẽ hoàn tất bệnh án điện tử.
Cũng theo bác sĩ Tuyết, bên cạnh cơ sở vật chất của hệ thống CNTT thì một nội dung quan trọng là bảo mật thông tin an ninh mạng. Toàn bộ dữ liệu của bệnh viện và bệnh nhân nếu không bảo mật có thể vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc đầu tư hệ thống này cần kinh phí rất lớn. Bệnh viện đã có kế hoạch xin phép xây dựng hệ thống bảo mật nhưng chi phí lên đến cả chục tỉ đồng, do vậy đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Cơ cấu giá CNTT vào giá dịch vụ y tế
Trước những khó khăn trên, PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết kiến nghị cần tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, có tích hợp CNTT trong cơ cấu giá; cơ chế mua sắm, thuê mướn đối với công nghệ thông tin cần rõ ràng và chi tiết; điều chỉnh chế độ lương, đãi ngộ cho nhân viên CNTT làm việc tại các bệnh viện để thu hút nguồn lực đáp ứng nhu cầu phát triển y tế thông minh.
TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết từ nay đến năm 2030, ngành y tế thành phố đã có nhiều hoạt động triển khai đề án y tế thông minh như thiết lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân thành phố. Mục đích là quản lý được tình hình sức khỏe của người dân, tiến tới quản lý mô hình bệnh không lây nhiễm. Triển khai các cổng kết nối vào kho dữ liệu chung ngành y tế như chuẩn quốc tế hoặc theo chuẩn của Bộ Y tế. Khi các hồ sơ sức khỏe điện tử được thiết lập, các bệnh viện sẽ được đồng bộ về dữ liệu, có tiếng nói chung; đồng thời tiến tới kết nối hệ thống điều hành cấp cứu ngoại viện của Trung tâm Cấp cứu 115.
Theo bác sĩ Dũng, chuyển đổi số của ngành y tế đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Hạ tầng quá cũ kỹ, chưa tương xứng với quy mô, tầm vóc kỳ vọng phát triển của y tế thông minh; các phần mềm công nghệ thông tin của các bệnh viện chưa có tiếng nói chung; vấn đề bảo mật thông tin phải tuân thủ theo nhiều luật… Bên cạnh đó, các đơn vị cũng gặp rất nhiều khó khăn về nguồn lực công nghệ thông tin chuyên nghiệp. Các bệnh viện rất cần vì đội ngũ này vừa ngoài công nghệ thông tin vừa gắn kết với chuyên môn về y tế.
BS CK2 TRẦN VĂN KHANH, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM):
Không biết tiền đâu đầu tư và làm sao thu lại!
Khi ứng dụng y tế thông minh vào bệnh viện sẽ giúp tăng hiệu quả làm việc của nhân viên, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, tiết kiệm được kinh phí. Tuy nhiên, việc đầu tư cho các hệ thống y tế thông minh rất tốn kém, đến nay bệnh viện vẫn chưa biết sẽ lấy kinh phí từ nguồn nào để đầu tư và sẽ thu lại từ đâu.
TP HCM đã cho phép có thể xã hội hóa vay vốn kích cầu đầu tư cho hệ thống CNTT nhưng chưa có cơ sở pháp lý để thu tiền. Đến nay, bệnh án điện tử chỉ mới áp dụng thí điểm một số nơi trong bệnh viện. Dự kiến năm 2023, tất cả các bệnh viện hạng một sẽ phải hoàn thành bệnh án điện tử nhưng hiện kinh phí để đầu tư cho công nghệ thông tin rất tốn kém. Nếu muốn hoàn thành phải tốn ít nhất là vài chục tỉ đồng, mà chúng tôi thì không có tiền.
TS-BS TRƯƠNG THỊ NGỌC LAN, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP HCM:
Y tế thông minh kẹt do phần mềm chưa đồng bộ
Viện Y dược học dân tộc TP HCM cũng đang gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai đề án y tế thông minh, như chưa đồng bộ phần mềm. "Điển hình như căn cước công dân có tích hợp bảo hiểm y tế nhưng khi bệnh nhân đến quét lại rất lệch. Viện đang cố gắng xây dựng bệnh án điện tử nhưng phải chạy song song với bệnh án giấy" - bác sĩ Lan dẫn chứng.
Khi triển khai y tế thông minh, điều lo lắng nhất là hệ thống bảo mật. Viện Y dược học dân tộc TP HCM đang thực hiện đăng ký gói máy chủ để lưu giữ thông tin bệnh nhân.
Bình luận (0)