PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM), đã chia sẻ thông tin trên tại buổi hội nghị giám sát của Ban Văn hóa xã hội HĐND TP HCM về tình hình thực hiện đề án "Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn năm 2030"
PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM), chia sẻ tại hội nghị
Báo cáo tại hội nghị, PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM), cho biết đơn vị đã có nhiều hoạt động triển khai y tế thông minh gồm kiện toàn hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT); nâng cấp phần mềm điều hành hoàn chỉnh; đào tạo đội ngũ nhân viên đủ năng lực vận hành. Bệnh viện Hùng Vương là bệnh viện đầu tiên triển khai ứng dụng CNTT. Tuy nhiên, việc phát triển CNTT tại bệnh viện chưa phát triển mạnh mẽ bởi nhiều yếu tố tác động, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển. "Y tế thông minh tại Bệnh viện Hùng Vương đến năm 2025 đến thời điểm này chúng tôi chưa đạt được mục tiêu theo như mong muốn" – bác sĩ Tuyết nói.
Về kiện toàn hạ tầng CNTT, bác sĩ Tuyết cho biết trong bộ 7 tiêu chí ứng dụng CNTT của thông tư 54/2017, đơn vị đã đạt được 6 tiêu chí (95%). Dự án phát triển hệ thống an ninh mạng và wifi cho bệnh viện vẫn chưa hoàn thành. Đây là trăn trở đã đeo bám 3 năm qua nhưng chưa đạt được. "Nguyên nhân khi thành lập dự án gửi qua các cơ quan liên quan đến khi nhận được quyết định cho phép thì các máy móc lỗi thời. CNTT là ngành phát triển nhanh, nếu đi chậm thì kỹ thuật trở nên lỗi thời, tiếp tục làm thì lại lãng phí. Không có hạ tầng CNTT thì không thể làm gì được. Đây là điều quan trọng nhưng chúng tôi đang bị bế tắc ở vấn đề này" - bác sĩ Tuyết nói.
Bên cạnh đó, khó tìm được nhân viên CNTT năng lực cao. Nguyên nhân vì mức lương của nhân viên CNTT ở các bệnh viện thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung. "Đăng tuyển quanh năm suốt tháng mà vẫn không tuyển được. Dù có người nộp đơn nhưng lại không phù hợp với nhu cầu của bệnh viện. Hiện chưa có cơ chế rộng mở nên nhiều khi làm rất hồi hộp vì ko biết trả lương như thế nào, trả như vậy có đung quy định của nhà nước hay không…" – bác sĩ Tuyết trăn trở và kiến nghị cần có cơ chế thanh toán, hướng dẫn chi tiết để các bệnh viện mạnh dạn tuyển dụng.
Đối với bệnh án điện tử, tại bệnh viện triển khai từ năm 2020. Tuy nhiên, việc thực hiện vô cùng khó khăn. Hiện tiến độ bệnh án ngoại trú đạt 100%, bệnh án nội trú sản khoa 99%, phụ khoa 60% và sơ sinh 40%. Hy vọng năm 2023, bệnh viện sẽ hoàn tất bệnh án điện tử.
Theo bác sĩ Tuyết, bên cạnh cơ sở vật chất của hệ thống CNTT thì một nội dung quan trọng là bảo mật thông tin an ninh mạng. Toàn bộ dữ liệu của bệnh viện và bệnh nhân nếu không bảo mật có thể vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc đầu tư hệ thống này kinh phí rất nhiều, đến hiện tại vẫn chưa đầu tư được.
"Hệ thống bảo mật thông tin rất quan trọng, toàn bộ thông tin của bệnh nhân nếu không có an ninh mạng có thể dẫn đến lộ thông tin, vi phạm pháp luật, bệnh viện đã có kế hoạch xin phép xây dựng hệ thống nhưng tiền đầu tư lên đến chục tỉ vẫn chưa thực hiện được" – bác sĩ Tuyết tâm tư.
Trước những khó khăn trên, bác sĩ Tuyết kiến nghị cần tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, có tích hợp công nghệ thông tin trong cơ cấu giá; cơ chế mua sắm, thuê mướn đối với công nghệ thông tin cần rõ ràng và chi tiết; điều chỉnh chế độ lương, đãi ngộ cho nhân viên CNTT làm việc tại các bệnh viện để thu hút nguồn lực đáp ứng nhu cầu phát triển y tế thông minh trong tương lai của ngành y tế.
Cũng tại buổi hội nghị, TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết từ nay đến 2030, ngành y tế TP đã có nhiều hoạt động triển khai đề án y tế thông minh như: Thiết lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân TP. Mục đích quản lý được tình hình sức khỏe của người dân, tiến tới quản lý mô hình bệnh không lây nhiễm. Triển khai các cổng kết nối vào kho dữ liệu chung ngành y tế như chuẩn quốc tế hoặc chuẩn phù hợp với Bộ Y tế ban hành. Khi các hồ sơ sức khỏe điện tử được thiết lập, các bệnh viện sẽ được đồng bộ về dữ liệu, có tiếng nói chung. Đồng thời, tiến tới hệ thống điều hành cấp cứu ngoại viện của Trung tâm Cấp cứu 115 kết nối chung trên cổng thông tin.
TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, chia sẻ tại hội nghị
Theo bác sĩ Dũng, chuyển đổi số của ngành y tế đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Cụ thể: hạ tầng quá cũ kỹ, chưa tương xứng với quy mô, tầm vóc kỳ vọng phát triển của y tế thông minh. Các phần mềm công nghệ thông tin của các bệnh viện chưa có tiếng nói chung, vấn đề bảo mật thông tin phải tuân thủ theo nhiều luật… Bên cạnh đó, các đơn vị cũng gặp rất nhiều khó khăn về nguồn lực công nghệ thông tin chuyên nghiệp. Các bệnh viện rất cần vì đội ngũ này vừa ngoài công nghệ thông tin vừa gắn kết với chuyên môn về y tế. Công nghệ thông tin trong bệnh viện phát triển giúp ích rất nhiều cho cơ sở y tế.
Bình luận (0)