Tổng hội Y học Việt Nam vừa phối hợp cùng Bộ Y tế tổ chức hội nghị khoa học thường niên toàn quốc năm 2022 với chủ đề "Nghiên cứu và ứng dụng trong y học".
Tại đây, giới chuyên gia "trình làng" kỹ thuật tầm soát ung thư mới được kỳ vọng sẽ triển khai trên diện rộng trong tương lai. Đó là ứng dụng kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ 2, SPOT-MAS phát hiện DNA tế bào ung thư do Viện Di truyền Y học – Gene Solutions nghiên cứu, phát triển từ nhiều năm qua.
Với độ đặc hiệu 95,9%, SPOT-MAS giúp tầm soát, phát hiện sớm 5 loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay (gan, phổi, vú, dạ dày, đại-trực tràng) chỉ với một lần thu máu.
TS Nguyễn Duy Sinh, Viện Di truyền Y học, trình bày “Ứng dụng giải pháp gen trong tầm soát và phát hiện sớm ung thư"
BS Nguyễn Hữu Nguyên, Phó Tổng Giám đốc điều hành Gene Solutions, cho biết công nghệ này đang là xu hướng toàn cầu trong tầm soát ung thư ở giai đoạn sớm; không xâm lấn, đơn giản, thuận tiện. Hiện chương trình này cũng được phối hợp thực hiện với 13 bệnh viện tại Việt Nam, như Bệnh viện K, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện 115, Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ…
"Đây là thành quả nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ của công nghệ gen phục vụ nền y học chính xác. Với trách nhiệm cộng đồng, chúng tôi luôn mong muốn lan tỏa hơn nữa thành tựu khoa học, góp phần chung tay bảo vệ sức khỏe cộng đồng" - BS Nguyên bày tỏ.
Dịp này, chương trình cũng dành 200 suất miễn phí tầm soát ung thư kiểu mới cho các nhân viên, cán bộ y tế.
Bệnh suy tim: Chưa có điều trị đột phá
GS-TS-BS Đặng Vạn Phước, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, cho biết như trên tại Hội thảo khoa học "Các kỹ thuật ưu việt trong điều trị bệnh lý tim mạch" do Bệnh viện FV phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai tổ chức ngày 26-11.
Theo bác sĩ Hồ Minh Tuấn, Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện FV, tim mạch là căn bệnh ngày càng phổ biến, chiếm 30% số bệnh nhân tử vong. Ngành tim mạch là một trong những ngành được giới y khoa tập trung nghiên cứu và liên tục có tiến bộ mới, từ phương tiện chẩn đoán bệnh, thuốc điều trị cho đến các phương pháp can thiệp.
Theo GS Đặng Vạn Phước, trong tất cả các nguyên nhân gây ra tử vong, tim mạch vẫn đứng đầu. Những năm gần đây, y khoa thế giới đã có tiến bộ rất lớn trong điều trị các bệnh tim mạch, giảm tử vong rất nhiều. Tuy nhiên, có hai bệnh lý mà y khoa rất hạn chế trong việc giảm tỉ lệ tử vong là suy tim và suy thận tiến triển.
GS-TS-BS Đặng Vạn Phước, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, nói về tình hình bệnh tim mạch hiện nay
Những biến chứng của bệnh đái tháo đường, huyết áp cao... là động mạch vành, đột quỵ thì tiến bộ y khoa đã làm giảm tỉ lệ tử vong, phát hiện sớm, tổ chức các kỹ thuật để chữa trị. Nhưng đối với suy tim, đây là "ngõ cùng" của tất cả các bệnh như đái tháo đường, huyết áp cao... thì y khoa chưa có tác động nào quan trọng để cải thiện bệnh một cách rõ rệt.
GS Phước cho rằng việc làm chậm thời gian bệnh nặng đối với suy tim đã là thành công, còn để thoát khỏi căn bệnh này thì rất khó. Vì vậy, bác sĩ cố gắng giúp bệnh nhân suy tim không sống khổ sở, cải thiện chất lượng sống, sinh hoạt tốt hơn, đỡ phải tái nhập viện... "Vì chưa có điều trị đột phá, do đó phải tính đến việc phòng ngừa suy tim. Từ các yếu tố nguy cơ ban đầu không chữa thì các bệnh sẽ nặng lên, dẫn đến biến chứng cuối cùng là suy tim, suy thận và tử vong" - GS Phước cho hay.
Các đại biểu thảo luận trong hội nghị
Yếu tố nguy cơ không thể thay đổi là: di truyền, tuổi tác, giới tính. Về giới tính, thông thường nam giới sẽ bị tim mạch nhiều hơn nữ giới nhưng nữ giới đến độ tuổi mãn kinh thì nguy cơ bị bệnh tim mạch cao bằng nam giới.
Các yếu tố khác đã nhận diện được là: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ trong máu, ít vận động, lạm dụng rượu bia... Càng nhiều yếu tố nguy cơ thì bệnh tim mạch càng nhiều.
Nguyễn Thuận
Bình luận (0)