Chiều 18-11, trao đổi với báo chí bên lề hội hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh đông xuân, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội (CDC Hà Nội), cho biết về 2 ca tử vong do nhiễm bệnh Whitmore là anh em ruột ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội, các kết quả điều tra dịch tễ chưa ghi nhận bằng chứng cho thấy hai anh em lây cho nhau.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nhật Cảm, hai trường hợp trẻ sinh năm 2014 và 2018 cách nhau trong khoảng thời gian ngắn, cùng địa điểm lại trong một gia đình là điều đáng quan tâm. "Hiện chúng tôi tiếp tục điều tra và khuyến cáo người dân chủ động tích cực theo dõi trên địa bàn Hà Nội và điều tra dịch tễ chuyên sâu" - ông Cảm nói.
3 em nhỏ bị nhiễm vi khuẩn Whitmore - Ảnh: Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cung cấp
Chiều cùng ngày 18-11, đoàn chuyên gia của CDC Hà Nội và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cùng cơ quan liên quan đã về địa phương điều tra kỹ các yếu tố dịch tễ cũng như nghiên cứu và tìm hiểu sâu hơn, theo dõi sát tình hình diễn biến của bệnh để có khuyến cáo kịp thời đối với người dân.
Về 2 ca bệnh này, bác sĩ Tạ Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết bé trai T.Q.H. (SN 2018 ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội) tử vong ngày 16-11 sau 6 ngày điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Trước đó, ngày 31-10, anh trai của bệnh nhi H. là cháu T.C.V. (SN 2014) cũng tử vong sau 3 ngày nhập viện. Cả hai bệnh nhi này được xác định nhiễm vi khuẩn Whitmore. "Trước ca tử vong này, chị gái 7 tuổi của hai bệnh nhi cũng đã không qua khỏi khi điều trị tại một bệnh viện ở Hà Nội vài tháng trước nhưng do nhiễm khuẩn đường tiêu hoá. Chúng tôi không biết rõ căn nguyên tử vong nhưng qua diễn biến, chúng tôi cũng nghi ngờ chị của hai cháu bé nhiễm vi khuẩn Whitmore" - bác sĩ Tuấn nói.
Theo bác sĩ Tuấn, khi bệnh nhi T.C.V. tử vong, các bác sĩ đã dặn dò kỹ gia đình theo dõi sát cho cháu bé còn lại (là bé H.) đến kiểm tra sức khoẻ, tư vấn đến miễn dịch, di truyền… Nếu em bé có gì bất thường gì về sức khoẻ, cần bỏ qua tuyến cơ sở đưa lên ngay Bệnh viện Nhi Trung ương.
Khi tiếp nhận bệnh nhi ngày 10-11 dù trẻ có sốt nhưng tỉnh táo, các bác sĩ đã hội chẩn đã quyết định dựa vào kết quả kháng sinh đồ của anh trai bệnh nhi, được điều bị ngay kháng sinh đặc trị Whitmore. Sau đó bệnh nhân có giảm sốt nhưng bệnh lại diễn biến rất nhanh, suy đa tạng, xuất huyết nhiều cơ quan của cơ thể nên trẻ đã không thể qua khỏi. "Bệnh nhi này đã được đo chức năng bạch cầu, xét nghiệm miễn dịch chưa tìm ra bất thường. Hiện mẫu máu của bệnh nhi vẫn được giữ lại để có thể phối hợp với các nước phân tích gen tìm yếu tố bất thường. Với 35 năm công tác, đây là lần đầu tiên tôi gặp trường hợp gia đình có đến 2 anh em ruột tử vong liên quan đến vi khuẩn Whitmore. Chị gái đầu tuy không có bằng chứng nhưng cũng nghĩ nhiều đến nguy cơ này"- bác sĩ Tuấn nói.
Kết quả điều tra dịch tễ ban đầu tại gia đình các cháu bé nói trên cho thấy gia đình có 7 người, trong đó bố mẹ của các cháu đều là công nhân, còn ông bà làm nông nghiệp và đều khỏe mạnh, không có dấu hiệu mắc loại vi khuẩn nguy hiểm này. Cơ quan chức năng địa phương đã điều tra tại các hộ gia đình xung quanh nhà bệnh nhân nhưng chưa phát hiện thêm trường hợp nghi mắc bệnh tương tự.
Dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp
Chiều 18-11, tại hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa đông - xuân và triển khai các nhiệm vụ y tế trọng tâm cuối năm 2019, thông tin cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 250.000 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó đã có 50 người tử vong. Bệnh xuất hiện ở cả 63 tỉnh thành trên cả nước.
Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết năm 2019, tình hình sốt xuất huyết diễn biến phức tạp hơn so với băm 2018. Dịch bệnh này cũng gia tăng tại nhiều quốc gia, tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á đều ghi nhận số mắc, tử vong gia tăng.
Bình luận (0)