Tôi may mắn còn khá khỏe mạnh, vẫn chơi thể thao thường xuyên (chạy bộ, xe đạp, cầu lông). Nhưng như vậy liệu đã đủ chưa? Tôi có ý định tập thêm một số động tác có tác dụng làm khỏe cơ bắp vùng hông – mông – đùi như squat, tạ chân và vài động tác gym nặng, điều đó có nên với tuổi của tôi? Ngoài ra, tôi nên làm gì để phòng ngừa vì tôi đọc báo thấy người cao tuổi bị chấn thương khớp hông – khớp háng nhiều quá, nhất là phụ nữ.
(Nguyễn Thị Vy, 65 tuổi, quận Tân Bình, TP HCM)
Bác sĩ Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất:
Chào cô, chấn thương khớp háng, hoại tử chỏm xương đùi, gãy cổ xương đùi… thường gặp ở các bệnh nhân lớn tuổi, loãng xương. Ở độ tuổi của cô, nguy cơ loãng xương rất cao nên cần phải phòng ngừa.
Thứ nhất, cô nên kiểm tra định kỳ tình trạng loãng xương của mình: đến bệnh viện khám và đo mật độ xương, T-score. Nếu loãng xương, cô sẽ được điều trị theo hướng dẫn của bác sỹ.
Trong trường hợp chưa cần điều trị, ở tuổi 65, cô cũng cần có các biện pháp tự phòng ngừa bằng ăn uống, tập luyện. Hãy bổ sung các thực phẩm giàu canxi (sữa, phô mai, cá…) để giữ cho xương được chắc khỏe, đồng thời tập thể dục thường xuyên.
Như trong thư, cô nói sức khỏe của cô còn tốt và cô là người đã duy trì chế độ tập luyện thường xuyên với các môn thể thao thông dụng (chạy bộ, đạp xe, cầu lông…). Như vậy rất tốt, chỉ cần cô duy trì việc tập luyện, điều chỉnh cách tập, thời lượng và độ nặng của các bài tập phù hợp với tuổi và sức khỏe, đã là cách để cô giảm nguy cơ chấn thương vùng hông – khớp háng.
Với các động tác gym nặng mà cô đang có ý định tập, cô nên tìm đến các trung tâm tập luyện có huấn luyện viên cá nhân bởi lẽ những động tác đó không nên tập tùy tiện hay theo các video clip trên mạng. Hơn nữa, với tuổi 65, cô cần được thiết kế bài tập riêng phù hợp với tuổi.
Trong trường hợp cô có một bệnh lý nội khoa, cơ xương khớp nào đó, hãy thông báo với bác sĩ của mình trước khi bắt đầu chế độ tập gym nặng.
Bình luận (0)