Điều trị cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 – TPHCM
Trở tay không kịp
Qua phân tích 153/185 hồ sơ bệnh án của các bệnh nhi tử vong do bệnh tay chân miệng trên toàn quốc trong năm 2011 và 3 tháng đầu năm 2012, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực – chống độc, đại diện nhóm điều trị bệnh tay chân miệng của BV Nhi Đồng 1, cho biết trong 153 ca tử vong, có 40 ca (chiếm 26,1%) bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh khác như viêm màng não, u tuyến thượng thận, sốc nhiễm trùng, hen suyễn… Nếu chia 153 ca này thành 2 nhóm chuyển viện và tự đến thì có 24/61 ca (tương đương 39,3%) được xác định là tử vong do chuyển viện không an toàn, 54/92 ca (58,6%) tự đến và tử vong do nhập viện khi bệnh đã quá nặng. Đây là những ca tử vong đáng tiếc, nhiều trường hợp có thể cứu sống nếu việc nhập viện và điều trị được thực hiện tốt hơn.
Cũng theo khảo sát này thì có 71,2% các ca tử vong nhập viện khi bệnh đã diễn tiến ở độ 3 và độ 4, là những mức độ nặng nhất của bệnh tay chân miệng và có tỉ lệ tử vong cao. Đa số các bệnh nhân này đến bệnh viện trong tình trạng sốc, phù phổi, suy hô hấp, tím tái…, có bệnh nhân xuất hiện rung thất.
Một nguyên nhân tử vong khác nữa là tình trạng phân độ sai lúc nhập viện và trong diễn tiến bệnh (chiếm 3,9% các ca tử vong). Chẩn đoán này có thể dẫn đến sai lầm trong việc đặt nội khí quản giúp thở. Có trường hợp trẻ bệnh tay chân miệng độ 4 khi nhập viện trông có vẻ khỏe mạnh, đưa tay giật ống nội khí quản nên nhân viên y tế đã cho thở ô xy thay vì đặt nội khí quản theo phác đồ nên trở tay không kịp lúc bệnh trở nặng và dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Tiến lưu ý nhân viên y tế phải hết sức cẩn trọng trong quá trình truyền dịch, bởi trong số 85 ca tử vong có chống sốc bằng dịch truyền có 14,1% bị truyền dịch không đúng phác đồ và 7,1% bị phù phổi do truyền dịch sai. Ngoài ra, việc phối hợp và duy trì thuốc vận mạch không thích hợp, sử dụng một số thuốc khác trong hồi sức tích cực trễ cũng dễ đưa đến nguy cơ tử vong.
Cả bệnh viện chống dịch
Thạc sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết nhằm nâng cao hiệu quả điều trị, giảm tử vong do tay chân miệng, mới đây, cục đã sửa đổi và ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng và 4 phụ lục với một số nội dung quan trọng như bổ sung chi tiết các triệu chứng mạch, sốt, huyết áp của phần phân độ lâm sàng; một số nội dung phân tuyến điều trị, chuyển tuyến an toàn, huy động sự tham gia của y tế tư nhân; các cập nhật về thuốc; bổ sung tiêu chuẩn xuất viện của bệnh nhân…
Nhóm điều trị bệnh tay chân miệng của BV Nhi Đồng 1 đề xuất các phương án như: Tổ chức thu nhận điều trị theo mô hình chặt chẽ với phương châm “cả bệnh viện chống dịch”; đầu tư trang thiết bị, thuốc; tăng cường huấn luyện, bảo đảm mọi nơi đều điều trị theo đúng phác đồ, lưu đồ; chuyển giao công nghệ; nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu; đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe.
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, 12 tuần đầu năm 2012, cả nước có 21.295 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 16 trường hợp tử vong (chiếm 0,08%). Trong đó, miền Nam có số ca mắc cao nhất (9.337 trẻ; chiếm 43,8% số mắc của cả nước) và chiếm 13/16 ca tử vong trong toàn quốc. Trong 2 tuần 11 và 12 (từ ngày 12 đến 18-3 và 19 đến 25-3), lần lượt có 2.461 và 2.752 trẻ mắc bệnh trên cả nước. |
Bình luận (0)