Trong những ngày nghỉ lễ, lực lượng CSGT TP HCM đã ra quân đồng loạt tăng cường giám sát, xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn vượt quá quy định. Theo một lãnh đạo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt TP, hàng trăm trường hợp vi phạm đã bị lập biên bản với các lỗi dễ dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) như lái xe có nồng độ cồn, lạng lách, đi ngược chiều, chạy quá tốc độ... “Đáng lưu ý là do nghỉ lễ, tâm lý vui vẻ, hội tụ bạn bè, gia đình, người thân... nên nhiều người điều khiển xe máy khi bị CSGT thổi vào đều có sử dụng rượu bia” - vị này cho biết.
Đau lòng người thân
Theo Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP HCM), từ ngày 29 đến sáng 2-5, Khoa Cấp cứu đã tiếp nhận 217 ca TNGT, trong đó có đến 149 nạn nhân chấn thương sọ não. Ngoài ra, số nạn nhân bị đả thương cũng tăng đột biến với 42 người nhập viện, trong đó không ít trường hợp bị chấn thương nặng hoặc không qua khỏi.
Tại Khoa Chấn thương sọ não, tiếng người than khóc vì thân nhân quằn quại trên giường bệnh, tiếng thét vô hồn của người bị chấn thương khiến không khí ở đây thêm u ám. Bà Lại Thị Bích Cừ (61 tuổi, quê Lâm Đồng) hớt hải chạy vào phòng của các bác sĩ và nói trong nước mắt: “Bác sĩ ơi, cứu giùm con tôi. Nó đau đớn, la khóc trên giường. Tôi không thể chịu đựng được khi thấy con như vậy, bác sĩ chích thuốc giảm đau cho cháu giùm”. Bà Cừ cho biết con bà là Đặng Minh Tuấn (24 tuổi) vừa tốt nghiệp cao đẳng ngành ngân hàng, đang chờ xin việc. Chiều 30-4, sau khi cùng bạn bè uống rượu, trên đường về nhà, Tuấn bị tông xe, đầu đập xuống đường. “Nghe tin thằng Tuấn bị tai nạn máu tràn ra tai, tôi vội vã gói ghém mấy bộ đồ và vét hết tiền trong nhà chạy đến BV. Chỉ vì ham vui mà ra nông nỗi này. Trước đây, tôi là giáo viên và hiện sống bằng lương hưu, vậy mà giờ phải vay mượn để lo cho con” - bà Cừ nghẹn ngào.
Con trai của bệnh nhân N.V.D (55 tuổi, quê Long An) cho biết: “Do đã uống khoảng chục lon bia với bạn, trên đường về, cha tôi tự ngã xuống đường, chấn thương sọ não. May nhờ người đi đường đưa đến bệnh viện kịp thời nên cha tôi đã qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên, 2 ngày qua, ông cứ la ó khiến người thân đau lòng”.
Trong số nạn nhân bị đả thương do say rượu, có trường hợp chỉ vì mâu thuẫn lặt vặt. Ngồi bên giường bệnh, người nhà bệnh nhân T.N.A (18 tuổi, quê Ninh Thuận) rầu rĩ: “Tối 1-5, A. cùng bạn đến một quán nhậu. Trong lúc cụng ly, chỉ vì lớn tiếng, nhóm của A. xảy ra mâu thuẫn và xô xát với những người ở bàn bên cạnh. Lúc đó, A. bị đánh bầm mắt, gãy răng và tức ngực nên được chuyển vào TP HCM điều trị cho an tâm”.
Bác sĩ Phan Minh Hưng, Phó Khoa Chấn thương sọ não, cho biết mỗi ngày, nơi đây tiếp nhận hàng chục ca chấn thương sọ não do TNGT, đả thương. Phần lớn chấn thương do uống rượu rồi tự té hoặc gây tai nạn, đả thương người khác.
Trong khi đó, tại Khoa Cấp cứu BV Việt Đức (Hà Nội) số nạn nhân cấp cứu TNGT có liên quan đến rượu, bia trong dịp nghỉ lễ tăng hơn hẳn ngày thường. Phần lớn nạn nhân là thanh niên lái xe trong tình trạng say rượu, không làm chủ được tốc độ nên tông người khác hoặc tự gây tai nạn. Ngày 1-5, trong 90 nạn nhân cấp cứu do TNGT, nhiều người nồng nặc mùi rượu. Các bác sĩ nơi đây cho biết nhiều trường hợp, dù được cấp cứu kịp thời, thoát khỏi tử vong nhưng lại bị di chứng suốt đời như mất khả năng nhận thức, khả năng diễn đạt, không còn khả năng lao động, suy gan, thận…
Ngộ độc rượu tăng vọt
Tại Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai, Hà Nội), từ ngày 29-4 đến 1-5, đã tiếp nhận nhiều ca cấp cứu do lạm dụng rượu và ngộ độc thức ăn. Trong đó, 1 người đàn ông 51 tuổi (ngụ Hà Nội) đã bị xơ gan nhưng lại lạm dụng rượu trong các ngày nghỉ lễ dẫn đến phải nhập viện cấp cứu do xuất huyết tiêu hóa. Do bệnh quá nặng, hôn mê sâu nên ngày 1-5, gia đình đã xin BV cho ông về để lo hậu sự. Các bác sĩ tại đây cho biết trong dịp lễ, mỗi ngày tiếp nhận 8-10 ca cấp cứu do ngộ độc thực phẩm, trong đó nhiều ca do rượu.
Theo TS-BS Đỗ Ngọc Sơn, Phó trưởng Khoa Cấp cứu BV Bạch Mai, các ca cấp cứu ngộ độc là do uống cồn công nghiệp, rượu không rõ nguồn gốc hoặc nhiều loại rượu, bia cùng lúc. Nạn nhân thường nhập viện trong tình trạng tụt huyết áp, suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa, thậm chí hôn mê sâu.
Uống rượu rồi đi làm nhiệm vụ
Ngày 2-5, ông Lê Văn Hai, Phó Chủ tịch UBND huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, cho biết đang tiếp tục làm rõ để xử lý theo pháp luật vụ phó trưởng công an xã say rượu, chặn xe người đi đường vào ngày 28-4. Theo ông Hai, người chặn xe là ông Lê Minh Tùng, Phó trưởng Công an xã Nam Thái, huyện An Biên. Cùng đi với ông Tùng lúc đó còn có ông Lê Quốc Thịnh (Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Nam Thái). Hai cán bộ này làm nhiệm vụ khi đã uống rượu.
Trước đó, theo trình bày của ông Phan Dũng Sĩ (SN 1977, ngụ xã Đông Thái, huyện An Biên), tối 28-4, một người mặc thường phục xưng là phó trưởng Công an xã Nam Thái đã chặn ô tô của ông đòi kiểm tra giấy tờ. Do thấy người này có mùi rượu nồng nặc, ông Sĩ gọi điện thoại trình báo vụ việc với Công an huyện An Biên. Thế nhưng, ngay sau đó, người đến giải quyết vụ việc là ông Nguyễn Thanh Duẩn (Trưởng Công an xã Nam Thái) cũng có hơi men. Vì vậy, ông Sĩ bỏ lại ô tô rồi thuê xe ôm về nhà. “Tôi sợ đôi bên cự cãi dẫn đến xô xát nên mới bỏ xe lại. Thế nhưng, không hiểu vì sao sau đó ô tô của tôi lại dính sơn khắp nơi” - ông Sĩ thắc mắc.Th.Vân
Bình luận (0)