Chia sẻ thông tin tại buổi họp báo giới thiệu thông tin về chương trình trực tuyến Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 17, chiều 14-10, PGS-TS Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, cho biết người có tiền sử bị bệnh tim mạch nếu mắc thêm Covid-19 tình trạng bệnh sẽ nghiêm trọng hơn nhiều so với người bình thường.
Lý do theo các chuyên gia tim mạch là khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể sẽ kích hoạt bệnh tim tiềm ẩn và gây ra phản ứng viêm nghiêm trọng ở mạch máu và cơ tim dẫn tới cơn đau tim, rối loạn nhịp, hội chứng mạch vành cấp tính, suy tim cấp. Bên cạnh đó, chức năng tim đã suy yếu, người bệnh vốn đã khó thở, mệt mỏi vì bệnh tim mạch sẵn có, nay lại càng khó thở hơn vì Covid-19 gây hội chứng viêm phổi cấp, khiến họ không đủ sức chống chọi với dịch bệnh. Nếu bị nhiễm virus SARS-CoV-2 tiến triển bệnh của họ sẽ nặng hơn, khả năng hồi phục cũng khó khăn so với người bình thường. "Do đó, người bệnh tim mạch cần đặc biệt chú trọng việc nâng cao sức khỏe và bảo vệ trái tim của mình. Khi có vấn đề về sức khoẻ cần đến ngay cơ sở y tế thăm khám hoặc liên lạc với bác sĩ điều trị"- PGS Hùng khuyến cáo.
Theo PGS Hùng, thống kê tại Mỹ cho thấy trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19, số bệnh nhân mắc bệnh tim mạch tới bệnh viện khám giảm khoảng 30%, tỉ lệ tử vong do bệnh lý này lại gia tăng đáng kể. Trong khi đó, thống kê sơ bộ tại nhiều cơ sở y tế ở Việt Nam cũng ghi nhận tình trạng bệnh nhân đến khám và cấp cứu bệnh lý tim mạch đều giảm 30-50%. Rõ ràng dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tâm lý của người dân trong việc khám chữa bệnh.
Mỗi năm có tới 17,5 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch - Ảnh: Đ. Phong
Hiện nay, bệnh tim mạch đã và đang là một gánh nặng cho xã hội với tỉ lệ tử vong và tàn phế cao nhất. Bên cạnh đó, chi phí cho chăm sóc, điều trị bệnh tim mạch cũng là gánh nặng đáng kể với hàng trăm tỉ USD mỗi năm.
WHO ước tính, hằng năm có đến 17,5 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch. Thậm chí, số bệnh nhân mắc bệnh tích lũy ngày một nhiều. Theo nghiên cứu của Hội Tim mạch học Việt Nam, hiện Việt Nam có khoảng 25% dân số mắc bệnh về tim mạch và tăng huyết áp. Đặc biệt, trong những năm gần đây, bệnh lý tăng huyết áp đang được trẻ hóa với rất nhiều đối tượng còn đang trong độ tuổi lao động.
PGS Phạm Mạnh Hùng cho biết trước đây, tỉ lệ bệnh nhân mắc tăng huyết áp chủ yếu ở độ tuổi từ 60-70 tuổi. Thế nhưng, hiện nay, người dưới 40 tuổi chiếm đến 20% trong tổng số các trường hợp bị tăng huyết áp. Đặc biệt, bệnh tim mạch và các tai biến tim mạch càng ngày được phát hiện nhiều ở lứa tuổi từ 25-40. Những lý do phổ biến khiến bệnh lý tim mạch gia tăng ở người trẻ, đó là lạm dụng rượu bia; hút thuốc (cả chủ động lẫn thụ động); ít vận động; thừa cân, có tiền sử mắc các bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp; thức khuya, căng thẳng trong cuộc sống, bị áp lực về tâm lý. Đáng ngại là hiện vẫn còn nhiều người thờ ơ, chủ quan với sức khỏe tim mạch của chính mình.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Tim mạch học Việt Nam, cho biết trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, lần đầu tiên Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 17 sẽ được tổ chức trực tuyến trong 2 ngày 16 và 17-10 tại điểm cầu Hà Nội và TP HCM. Với chủ đề "Tim mạch học trong kỷ nguyên mới - Biến thách thức thành cơ hội", Đại hội lần này dự kiến sẽ kết nối tới hơn 10.000 đại biểu trong nước và quốc tế ở 4 phân hội lớn trong nước, 5 hiệp hội và bệnh viện quốc tế.
Đại hội Tim mạch toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức trực tuyến
Thông qua 108 báo cáo viên là các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đầu ngành trong lĩnh vực tim mạch trên toàn thế giới, Hội Tim mạch sẽ mang tới 10 kênh hội thảo trực tuyến phát liên tục với hơn 12 phiên đào tạo liên tục cùng 91 phiên báo cáo khoa học. Đây là cơ hội trao đổi, cập nhật, đào tạo những kiến thức chuyên môn mới nhất về chẩn đoán, điều trị và phòng chống các bệnh lý tim mạch để nâng cao năng lực cho các bác sĩ, kỹ thuật viên và điều dưỡng trên khắp cả nước.
Bình luận (0)