Vấn đề tâm lý này ở người dân không thể hết hẳn trong ngày một ngày hai, mà cần có khoảng thời gian nhất định với các chính sách hỗ trợ phù hợp để can thiệp và giúp đỡ.
Ngại đi ra ngoài, ngại tiếp xúc...
Trong hàng trăm thân chủ tôi đã hỗ trợ tâm lý thời gian qua, có nhiều người mang nỗi lo ngại khi "phải đi ra ngoài". Như một nam thân chủ làm nhân viên văn phòng, 32 tuổi, luôn trong tâm thế lo lắng, căng thẳng, hoảng sợ khi phải ra ngoài. Cứ cách 1 ngày anh lại test nhanh Covid-19 cho yên tâm. Anh cảm thấy hoảng loạn khi có bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đến Covid-19 như đau đầu, sổ mũi, đau họng...
Bạn trẻ đeo khẩu trang dạo phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP HCM những ngày cuối năm 2021 trong trạng thái bình thường mới .(Ảnh: HOÀNG TRIỀU)
Do kéo dài tình trạng này nhiều tuần liền, anh không thể tập trung vào công việc cũng như cố gắng tối đa không tiếp xúc với ai. Tôi đã tư vấn, hỗ trợ cho anh cân bằng về tâm lý. Hiện nay, tình trạng của anh cũng dần ổn định, không còn quá lo lắng khi đi làm việc.
Một trường hợp khác, thân chủ là nữ, 50 tuổi, trong giai đoạn bùng dịch, chị là F1 và phải đi cách ly tập trung. Mặc dù sau đó chị không nhiễm bệnh nhưng khi về nhà chị gặp phải những vấn đề tâm lý nghiêm trọng như: ăn không được, tối không dám ngủ, trong đầu mình lúc nào cũng có tiếng nói của ai đó như đang nói chuyện với mình. Chị tỏ ra hoảng loạn khi tới gặp chuyên gia tư vấn tâm lý.
Đây là vấn đề tâm lý khá nghiêm trọng, chị đã sang chấn tâm lý do cách ly và bị kỳ thị trước đó. Trải qua quá trình hỗ trợ tham vấn của các chuyên gia trong chương trình "Vắc-xin tinh thần", chị đã dần hồi phục.
Các rối loạn tâm lý hậu sang chấn (PTSD) có thể xảy ra với bất kỳ người nào, kể cả người mắc Covid-19 lẫn người không mắc. Họ đều gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần hậu Covid-19. Ví dụ, một bệnh lý nhẹ có triệu chứng tương tự cũng làm cho người bệnh và cả người không bệnh gợi nhớ về sự lây lan bệnh, sự nguy hiểm của bệnh, các con số tử vong kinh hoàng trong dịch bệnh.
Tiếng điện thoại gợi nhớ tin báo về tình trạng sức khỏe, cái chết của người thân. Tiếng xe cứu thương gợi nhớ về khoảng thời gian hãi hùng trong đại dịch. Với những người có người thân bị mất, đó là sự đau khổ, dằn vặt trước cái chết của người thân mà mình bất lực, không thể làm được gì, là sự không có mặt trong giây phút cuối khi người thân ra đi, là sự hụt hẫng về thiếu vắng người thân trong gia đình. Tất cả những điều này có thể sẽ tồn tại trong thời gian dài.
Hệ thống miễn dịch toàn dân
TP HCM đã bước vào giai đoạn bình thường mới, tâm thế chung là chúng ta phải sống chung với dịch bệnh. Thời gian qua đã có trường hợp người dân dù đã tiêm 2 mũi vẫn mắc Covid-19 khi ra ngoài và về lây cho cả gia đình. Không ít người lo lắng khi có việc phải ra ngoài và mắc bệnh về lây lan cho con nhỏ, cha mẹ già.
Rất nhiều người khi mắc Covid-19 do sợ ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán, làm ăn (phải cách ly tại nhà) nên không khai báo y tế. Những đối tượng này sẽ là nguồn lây nhiễm nguy cơ cao cho mọi người. Gần đây là sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron với các nguồn thông tin về sự lây lan, tác hại khác nhau của biến chủng mới cũng làm tăng nỗi bất an cho nhiều người.
Mọi người cần phải thích ứng với trạng thái "bình thường mới", đó là điều quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Mỗi người dân lúc này cần có những suy nghĩ đúng đắn và tích cực, nên nhìn nhận Covid-19 là bệnh không quá đáng sợ khi chúng ta đã được tiêm phòng đầy đủ cũng như tuân thủ tốt 5K khi ra ngoài.
Nếu không may nhiễm bệnh, chúng ta cần báo ngay cho y tế địa phương, thực hiện cách ly y tế tại nhà nghiêm túc và điều trị bệnh theo phác đồ hướng dẫn. Mỗi người cố gắng chủ động trong cuộc sống và sinh hoạt của mình. Tự ý thức, cân nhắc để tự hạn chế và kiểm soát nhu cầu đi lại, nhu cầu giao tiếp, tụ tập nơi đông người... của bản thân, cân bằng nhu cầu sống và làm việc trong giai đoạn "bình thường mới".
Sống chung với Covid-19 có nghĩa là chủ động giảm thiểu tác hại của dịch bệnh và dần biến nó trở thành loại cúm mùa thông thường. Để làm được điều này, mọi người dân cần đi tiêm ngừa đầy đủ theo khuyến cáo, tuân thủ nghiêm 5K, theo dõi những thông tin về Covid-19 qua các phương tiện truyền thông chính thống; sống lạc quan, tích cực, ý thức rèn luyện sức khỏe... Sự hiểu biết sẽ làm gia tăng sức đề kháng dịch bệnh của toàn bộ hệ thống xã hội, cũng như tạo ra hệ thống miễn dịch toàn dân.
Bình luận (0)