Thông tin trên được PGS-TS Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện răng hàm mặt Trung ương (Hà Nội), cho biết tại buổi họp báo phát động Tháng hành động vì bệnh nhân khe hở môi - vòm miệng.
Theo PGS Bính, tại nước ta, cứ 500 trẻ em sinh ra thì có 1 em mắc các dị tật khe hở môi - vòm miệng. Dị tật hở môi và hở hàm ếch là khiếm khuyết bẩm sinh phổ biến nhất xảy ra tại vùng mặt và miệng. Tuy nhiên, nhiều trẻ điều trị muộn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và phát âm của trẻ.
Thăm khám cho bệnh nhi bị khe hở môi - vòm miệng
"Để một bệnh nhi bị khe hở môi - vòm miệng được can thiệp toàn diện, người bệnh sẽ phải theo đuổi việc điều trị khoảng 20 năm, tức là từ lúc phẫu thuật, can thiệp ngữ âm, nắn chỉnh hàm, thẩm mỹ... Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân mới chỉ được phẫu thuật điều trị bệnh lý, phục hồi chức năng bú, nhai - cắn, mà chưa được điều trị ngữ âm. Điều này ảnh rất lớn tới tâm lý, học tập, hòa nhập của trẻ bị khe hở môi - vòm miệng" - PGS Bính thông tin.
Để lấp khoảng trống về điều trị ngữ âm, hiện các cơ sở chuyên khoa về răng hàm mặt đang đẩy mạnh lĩnh vực này với mục đích sau phẫu thuật trẻ có cơ hội điều trị toàn diện, trở thành những trẻ bình thường.
PGS-TS Trần Cao Bính cho biết có nhiều nguyên nhân khiến trẻ dị tật bị khe hở môi – vòm miệng
Trong Tháng hành động vì bệnh nhân khe hở môi - vòm miệng, từ ngày 1 đến ngày 7-6, Bệnh viện răng hàm mặt Trung ương phối hợp với Tổ chức phi chính phủ Smile Train tổ chức khám sàng lọc, phẫu thuật miễn phí cho khoảng 300 bệnh nhân và tư vấn các hình thức điều trị cần thiết (chỉnh răng hay ngữ âm trị liệu để phục hồi toàn toàn chức năng và thẩm mỹ) cho bệnh nhân đã được phẫu thuật.
Cũng trong thời gian này, nhiều bệnh viện khác sẽ tham gia triển khai khám và phẫu thuật quy mô lớn cho bệnh nhân khe hở môi - vòm miệng tại 5 tỉnh thành trên cả nước, bao gồm: TP Hà Nội, TP HCM, Nghệ An, Huế, và Đắk Nông.
Bình luận (0)