Từ sự biến dạng cột sống (ảnh) sẽ kéo theo sự biến dạng của lồng ngực và cả thân người. Cũng từ đó mà làm biến dạng tư thế của các cơ quan trong lồng ngực, ổ bụng, gây rối loạn chức năng hệ tim mạch, hệ cơ, hô hấp, cơ quan tiêu hóa… Tất cả những biến loạn trên làm kém đi thể lực của bệnh nhân, giảm hoặc mất khả năng lao động, cũng có thể trở nên tàn tật hoàn toàn. Chính vì vậy nên thầy thuốc không chỉ quan tâm đến biến dạng của cột sống mà phải quan tâm đến cả những rối loạn toàn thân do bệnh vẹo cột sống gây ra.
Về mặt cấu trúc, cột sống là một cột xương dài uốn éo từ dưới xương sọ đến hết xương cụt, nó như một trục chính đỡ thân hình, gồm 7 đốt cổ, 12 đốt ngực, 5 đốt thắt lưng. Các đốt này chồng lên nhau nhưng không dính với nhau và cho phép cột sống được cúi, ngửa, nghiêng, xoay dễ dàng. Năm đốt xương cùng dính với nhau gọi chung là xương cùng, 4 đến 6 đốt nữa nhỏ và cằn cỗi dính liền với nhau gọi là xương cụt.
Ở phía sau các thân đốt sống có chứa tủy sống. Từ đây phát ra các dây thần kinh để điều khiển tứ chi và một số cơ quan. Khi vẹo cột sống nặng, tủy sống có thể bị ép, ảnh hưởng tới vận động của hai chân.
Các loại vẹo cột sống, gồm:
Vẹo bẩm sinh: Do biến đổi ở khung xương sườn phụ (như dính liền các xương sườn ở một bên, thêm xương sườn phụ, thêm bán phần đốt sống, dính các ngành ngang hai bên thân đốt sống, khuyết cung đốt sống, trượt nhẹ đốt sống…).
Vẹo do nguyên nhân thần kinh: Bệnh do hậu quả của sốt bại liệt, còn có thể do bệnh nhược cơ tiến triển (myopathia progressiva), u xơ thần kinh, bại não…
Vẹo do mất cân bằng: Thường xuất hiện do một nguyên nhân nào đó ở chi dưới (như cứng khớp háng bẩm sinh, ngắn một chân…) làm cho cột sống nghiêng đi.
Vẹo tự phát: Nhiều nhất ở dạng này là do còi xương, đặc biệt là vẹo cột sống còi xương có tính chất di truyền.
Bình luận (0)