Điều bất ngờ là trong gần 1 tháng (từ ngày 16-5 đến 13-6), đã có 4 người chết não hiến tặng 8 quả thận, 4 lá gan và 4 quả tim để ghép cho những bệnh nhân suy tạng giai đoạn cuối. Theo GS-TS Giang, đây là con số kỷ lục bởi trước đây, cả năm vận động BV cũng chỉ nhận được sự đồng ý hiến tạng của 1-2 trường hợp. Để thực hiện nhiều ca lấy, ghép tạng cùng một thời điểm, BV đã huy động hơn 100 cán bộ y tế tiến hành ghép tạng và vận chuyển tạng bằng đường hàng không tới các BV khác. Trong số này, 2 quả tim được chuyển vào BV Trung ương Huế để ghép cho bệnh nhân suy tim có cùng chỉ số phù hợp với người hiến tạng.
Bệnh nhân ghép gan hồi phục sau khi được ghép từ người hiến chết não
"Với kinh nghiệm ghép tạng, bác sĩ làm chủ kỹ thuật, các ca ghép tạng diễn ra rất nhanh và suôn sẻ. Trước đây, các ca ghép phải chuẩn bị rất kỹ, bệnh nhân nằm viện lâu, thở máy kéo dài nhưng nay bệnh nhân ghép thận hầu như không phải truyền máu. Bệnh nhân ghép gan thì số lượng máu truyền chỉ 1-2 đơn vị. Thời gian bệnh nhân phải thở máy chỉ còn 3-4 giờ so với 24 đến 48 giờ như trước. Đến thời điểm này, 2/3 số bệnh nhân được ghép tạng nói trên đều đã ra viện và bình phục tốt" - GS-TS Giang nói.
Việt Nam đã thực hiện ca ghép thận từ năm 1992, ghép gan từ năm 2004, ghép tim từ năm 2010, ghép phổi từ người cho còn sống năm 2017 và năm 2018 lần đầu tiên Việt Nam ghép phổi từ người cho chết não. Đến nay, BV Việt Đức đã ghép 600 ca thận, 60 trường hợp ghép gan và 20 bệnh nhân ghép tim. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ tiến hành ghép ruột, tử cung, chi thể và tiến tới ghép mặt cho người bệnh.
Bình luận (0)