Ngày 17-10, nguồn tin cho biết hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế đã ghi nhận 1 trường hợp trẻ 4 tháng tuổi sinh sống tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, có triệu chứng dị tật bẩm sinh nghi mắc chứng đầu nhỏ nghi ngờ có liên quan đến virus Zika.
Đây là một bé gái 4 tháng tuổi, con một phụ nữ người dân tộc sống ở Đắk Lắk. Điều tra dịch tễ cho thấy người mẹ khi mang thai ở tháng thứ 3 và 6 có sốt, phát ban, trong khi đó tại khu vực này dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp.
Ngay sau khi nhận được thông báo, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã tiến hành điều tra, lấy mẫu máu gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm vi rút Zika.
Hiện Bộ Y tế đang yêu cầu thực hiện thêm các xét nghiệm, đồng thời nhờ phía Nhật Bản xét nghiệm thêm để khẳng định chắc trường hợp trẻ bị hội chứng đầu nhỏ có liên quan đến virus Zika hay không.
Trước tình hình này Bộ Y tế đã nâng cấp độ cảnh báo do virus Zika tại Việt Nam lên cấp độ 3.
Trước đó Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định 2 trường hợp trẻ sơ sinh mắc chứng đầu nhỏ có liên quan đến virus Zika ở Thái Lan. Đây những trường hợp đầu tiên mắc chứng đầu nhỏ có liên quan đến virus Zika tại khu vực Đông Nam Á là những trẻ được sinh ra từ những bà mẹ đã được xác định là nhiễm virus Zika trong thời gian mang thai.
Trước đó, WHO cũng đã khẳng định có mối liên quan giữa virus Zika với chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và Hội chứng viêm đa rễ đây thần kinh. Tuy nhiên, không phải tất cả các bà mẹ mang thai bị nhiễm virus Zika đều sinh ra trẻ bị mắc chứng đầu nhỏ. Theo thống kê, tỉ lệ trẻ mắc chứng đầu nhỏ ở những bà mẹ bị nhiễm virus Zika trên toàn cầu là dưới 1%.
Trong bối cảnh dịch bệnh do virus Zika, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chăm sóc phụ nữ mang thai; đồng thời đã triển khai hệ thống giám sát chứng đầu nhỏ ở trẻ em trên toàn bộ hệ thống sản-nhi. Theo báo cáo của hệ thống giám sát, đến nay nước ta đã ghi nhận 7 trường hợp người Việt Nam và 2 trường hợp người nước ngoài nhiễm virus Zika.
Bình luận (0)