Trước tình trạng dịch Zika hoành hành ở Singapore, cuối tuần qua, Bộ Y tế đã họp với một số địa phương nhằm tăng cường giám sát, phát hiện sớm trường hợp nhiễm virus này tại các điểm có nguy cơ cao.
Nguy cơ bùng phát rất lớn
Chỉ 8 ngày sau ca bệnh đầu tiên được công bố (hôm 27-8), Singapore đã ghi nhận hơn 200 ca nhiễm virus Zika. Đến nay, thế giới đã có 70 nước ghi nhận ca mắc virus Zika và 11 nước có sự lây truyền bệnh này từ người sang người.
Hành khách được giám sát thân nhiệt, khai báo y tế tại sân bay nhằm phát hiện sớm các dịch bệnh nguy hiểm
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết trong vòng 2 tháng qua, Việt Nam chưa phát hiện thêm trường hợp mới nhiễm virus Zika. Tuy nhiên, trong bối cảnh virus Zika đã lưu hành tại nhiều nước trên thế giới và tại khu vực châu Á thì Việt Nam cũng không nên chủ quan. “Việt Nam từng có 3 trường hợp nhiễm virus Zika, có nghĩa loại virus này đã lưu hành trong nước. Vì vậy, người dân trong nước có thể mắc bệnh Zika do virus được lây truyền thông qua loại muỗi trung gian truyền bệnh chứ không cứ phải đến các nước đang có ổ dịch trở về mới bị lây” - ông Phu nhấn mạnh.
Hiện tại, Bộ Y tế duy trì cảnh báo, phòng chống dịch do virus Zika ở mức 2 - tức tình huống đã có trường hợp mắc bệnh. Tuy nhiên, theo ông Phu, điều lo ngại nhất là loài muỗi truyền bệnh Zika gây bệnh đầu nhỏ này chính là muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (Aedes), đang lưu hành rất phổ biến ở Việt Nam. Do đó, nguy cơ virus Zika bùng phát trong cộng đồng, lây nhiễm trên diện rộng là rất lớn.
“Dịch sốt xuất huyết đang xảy ra tại hầu hết các tỉnh, thành và diễn biến phức tạp ở miền Trung và miền Nam. Qua kiểm tra, chúng tôi vẫn nhận thấy có một bộ phận không nhỏ người dân rất chủ quan trong việc diệt lăng quăng (bọ gậy) để ngăn chặn muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và virus Zika đẻ trứng, phát triển. Dù được tuyên truyền rất nhiều và có nhiều chiến dịch diệt mầm bệnh được tiến hành nhưng do tập quán sinh hoạt của người dân cùng với ý thức chưa cao nên chưa giải quyết được” - PGS Phu lo ngại.
Chủ động phát hiện, điều trị sớm
Trước diễn biến phức tạp của bệnh Zika, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC) đã hỗ trợ Việt Nam 3.000 Test Trioplex để giám sát một số dịch bệnh do muỗi truyền bệnh. Đây là kỹ thuật xét nghiệm mới “3 trong 1”, cùng lúc có thể phát hiện 3 tác nhân gây bệnh gồm: virus Zika, sốt xuất huyết Dengue, sốt Chikungunya.
“Triệu chứng ban đầu của 3 căn bệnh do muỗi đốt này đều có xuất huyết, đau cơ và sốt nên việc phát hiện sớm sẽ giúp các thầy thuốc có hướng điều trị hiệu quả nhất cho bệnh nhân. Đến nay, các bệnh này vẫn chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu nên việc phát hiện và điều trị triệu chứng càng sớm càng tốt” - ông Phu khuyến cáo.
Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh do virus Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu do muỗi Aedes truyền. Ngoài ra, bệnh có thể lây truyền qua đường tình dục, đường máu và từ mẹ sang con. Để chủ động phòng chống, những người đi từ vùng dịch về, đặc biệt là phụ nữ mang thai, nếu có biểu hiện sốt, phát ban, mệt mỏi, đau đầu thì cần đến ngay các cơ sở y tế.
Hiện nay, cùng với việc giám sát thân nhiệt hành khách tại các cửa khẩu, Bộ Y tế tiếp tục mở rộng giám sát, lấy mẫu xét nghiệm các ca nghi ngờ nhiễm virus Zika để phát hiện sớm ca bệnh trong cộng đồng cũng như nguy cơ hội chứng đầu nhỏ ở thai nhi do bà mẹ nhiễm Zika trong thai kỳ. Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xét nghiệm tìm virus Zika đối với hơn 2.400 mẫu nghi ngờ và mới phát hiện được 3 trường hợp.
Ông Masaya Kato, điều phối viên nhóm các bệnh truyền nhiễm thuộc Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, cho biết bệnh nhân nhiễm virus Zika thông thường ở thể nhẹ có thể tự khỏi sau 7 đến 10 ngày. Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy virus Zika có khả năng gây ra dị tật đầu nhỏ ở trẻ em nhưng không phải tất cả trường hợp nhiễm đều mắc dị tật này. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai và phụ nữ có kế hoạch mang thai cần thận trọng trong dự phòng muỗi đốt vì virus này chỉ thực sự nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai dưới 3 tháng.
Malaysia chặn lây nhiễm từ Singapore
Giới chức Malaysia đang lo ngại số trường hợp nhiễm virus Zika ở nước này sẽ còn tăng sau khi ghi nhận trường hợp nhiễm đầu tiên trong nước. Bệnh nhân là một người đàn ông 61 tuổi tại TP Kota Kinabalu, được xác định không ra nước ngoài thời gian qua. Người này đã nhập viện sau khi nhiễm virus Zika nhưng tử vong vì những biến chứng của bệnh tim vào ngày 3-9. Trước đó 2 ngày, Malaysia thông báo một phụ nữ nước này dương tính với Zika sau khi trở về từ Singapore - qua đó trở thành trường hợp nhiễm Zika đầu tiên của quốc gia Đông Nam Á này.
Trước tình hình trên, Bộ Y tế Malaysia đã cho tăng cường phun thuốc diệt muỗi và các biện pháp kiểm tra sức khỏe tại biên giới với Singapore. Ph.Võ
Bình luận (0)