"Anh đã sống", là câu nói của bác sĩ CKII Lê Đức Sĩ, Phó giám đốc Bệnh viện Xuyên Á – Vĩnh Long - người liên tục thức trắng nhiều đêm theo dõi bệnh nhân trong vụ tai nạn lao động sập tường thương tâm tại Vĩnh Long cách đây 1 tuần làm 6 người tử vong.
Trong số 7 nạn nhân được đưa vào Bệnh viện Xuyên Á – Vĩnh Long cấp cứu (hầu hết đã tử vong trước lúc nhập viện), có một trường hợp rất nguy kịch, đang thoi thóp dưới lằn ranh sinh-tử. Nhưng với sự tận tâm tập trung cao độ cứu người của ê kíp hàng chục y-bác sĩ cộng chút may mắn anh đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần, sau 1 tuần chống chọi đa chấn thương tưởng chừng khó qua khỏi xảy ra trên cơ thể một con người.
Ông D. đã bước đầu ăn uống được sau 1 tuần chống chọi với cái chết
Bệnh nhân là ông Nguyễn Văn D. (47 tuổi, ngụ Vĩnh Long) nhập cấp cứu Bệnh viện Xuyên Á – Vĩnh Long trong hoàn cảnh không người thân, đa chấn thương nặng nề, sốc nặng, tím tái, tay chân lạnh, huyết áp không đo được, có nhiều vết thương trên người, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc.
Lập tức được hồi sức, chụp CT scan cấp cứu, ghi nhận những tổn thương vô cùng nặng nề: khung chậu gãy thành nhiều mảnh, gãy 10 xương sườn, tràn máu và tràn khí màng phổi, vỡ cơ hoành, xuất huyết nội nhiều do chấn thương bụng kín. Hệ thống báo động đỏ nội viện nhanh chóng được khởi động.
Trong chưa đầy 10 phút, bệnh viện đã huy động đầy đủ các ê-kip phòng mổ, gây mê, và 4 kíp mổ làm việc căng thẳng trong nhiều giờ.
Hàng chục y - bác sĩ tận tâm cứu nạn nhân tổn thương nghiêm trọng
Sau mổ, bệnh nhân được theo dõi sát sao và thăm khám liên tục tại khoa hồi sức tích cực. Sau 7 ngày "chiến đấu", hiện tình trạng bệnh nhân tạm ổn, đáp ứng tốt với điều trị, chức năng gan và thận ổn định, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, đã rút được máy thở và các ống dẫn lưu, đã ngưng thuốc vận mạch, mạch 80lần/p, huyết áp ổn 130/80 mmHg, thở oxy qua sonde mũi. Bệnh nhân được tiếp tục dùng kháng sinh, điều trị nâng đỡ, dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch chăm sóc phục hồi chức năng.
Hôm nay, sau cuộc chiến thoát khỏi lưỡi hái tử thần, bệnh nhân đã có thể nói chuyện và dần dần ăn uống lại được. Bệnh nhân được chuyển ra khỏi khoa hồi sức tích cực và lên khoa Ngoại Tổng quát để được tiếp tục điều trị nâng đỡ, dùng kháng sinh, tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng.
"Sự hồi phục tuyệt vời này chắc chắn là một điều vô cùng nhiệm màu đối với gia đình bệnh nhân, của tất cả bà con quan tâm anh và là niềm hạnh phúc tuyệt vời đối với tập thể y-bác sĩ chúng tôi đã ngày đêm chiến đấu bên bệnh nhân", bác sĩ Lê Đức Sĩ chia sẻ.
Bình luận (0)