xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vụ trao nhầm con: Đột ngột hoán đổi con sẽ khiến trẻ bị sốc, trầm cảm

Kh.Anh.

(NLĐO) - Cả hai đứa trẻ hiện đều đã lớn nên hai gia đình cần có thời gian cho các con tiếp xúc với gia đình mới để chuẩn bị tâm lý. Nếu bất ngờ hoán đổi con có thể khiến trẻ bị sốc tâm lý, dẫn đến trầm cảm.

Nói về sự cố Bệnh viện Ba Vì (Hà Nội) trao nhầm con cho hai gia đình cách đây 6 năm, chuyên gia xã hội học - PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học), cho biết đây không phải lần đầu tiên xảy ra việc trao nhầm con. Tuy nhiên, để hoán đổi một đứa trẻ 6 tuổi về với bố mẹ thật của chúng, hai gia đình cần có thời gian để chuẩn bị tâm lý cho các cháu. Nếu bất ngờ trao trả, 2 cháu có thể bị sốc tâm lý, dễ trầm cảm. 

Vụ trao nhầm con: Đột ngột hoán đổi con sẽ khiến trẻ bị sốc, trầm cảm - Ảnh 1.

Chị Vũ Thị Hương cho rằng cần thời gian để bé M. về với bố mẹ đẻ

PGS Bình cho rằng hai đứa trẻ đang sống bình thường, đều chuẩn bị có những thay đổi quan trọng trong cuộc đời là chuẩn bị đi học lớp 1 nay bỗng nhiên phải hoán đổi cuộc sống cho nhau chắc chắn các cháu sẽ bị sốc tâm lý nặng chứ không riêng gì cha mẹ của hai bên. "Trong thời gian này, hai gia đình cần cho các con gặp gỡ, vui chơi cùng nhau nhiều hơn, đồng thời tạo điều kiện để các con tiếp xúc với môi trường gia đình bố mẹ đẻ để hạn chế thấp nhất những khủng hoảng tâm lý cho con trẻ. Thời gian này có thể kéo dài một hoặc nhiều tháng, thậm chí lâu hơn. Điều này cần sự cố gắng của người lớn chứ không nên quá vội vàng"- PGS Bình nói.

Vụ trao nhầm con: Đột ngột hoán đổi con sẽ khiến trẻ bị sốc, trầm cảm - Ảnh 2.

Vợ chồng anh Phùng Giang Sơn và cậu con trai chị Hương bị trao nhầm cách đây 6 năm

Nhìn nhận vấn đề dưới góc độ tâm lý, nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng nên chuẩn bị tâm lý cho con trẻ và cha mẹ khi nhận con. Theo ông Chất, dù một trong hai gia đình bị nhầm con có cuộc sống gia đình không hạnh phúc (vợ chồng chị Vũ Thị Hương đã ly hôn) nhưng cũng không nên so sánh về mặt kinh tế hay cuộc sống mà nên hướng con theo suy nghĩ cảm thấy may mắn vì các con có thêm một người bạn cùng ngày tháng năm sinh, có thêm bố mẹ. Kể cả khi các con đã chấp nhận gia đình mới rồi thi thoảng vẫn nên cho các con giao lưu cùng nhau, tổ chức sinh nhật cho các con, để chúng thấy rằng chúng hạnh phúc hơn nhiều đứa trẻ khác khi có 2 người bố, 2 người mẹ và các cô dì chú bác.

Vụ trao nhầm con: Đột ngột hoán đổi con sẽ khiến trẻ bị sốc, trầm cảm - Ảnh 3.

Để tránh nhầm con, các bệnh viện đã thực hiện đeo vòng cho con trùng số vòng đeo của mẹ

Nhìn nhận vụ trao nhầm con ở Ba Vì gây ra tổn thương quá lớn cho 2 gia đình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang cho rằng nên lắng nghe hai cháu bé bị trao nhầm và nên thận trọng để tránh làm tổn thương hai trẻ. Theo ông Quang, lỗi của bệnh viện là trao nhầm con cho hai gia đình nhưng vấn đề cho đến nay là cần ứng xử văn minh. Hai gia đình nên gặp gỡ nhau thường xuyên để các cháu làm quen với gia đình mới. Bệnh viện cũng nên mời chuyên gia tâm lý để xử lý các vấn đề về tâm lý cho cả người lớn và con trẻ trong thời điểm này. "Sự cố nhầm con gây ra sự ám ảnh, tổn thương quá lớn cho 2 gia đình, nó đã vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật, quan niệm đúng sai và rất khó giải quyết thấu tình đạt lý. Vì thế, giải quyết vụ việc này cũng đừng nên chỉ nhìn nhận về mặt pháp luật, bồi thường tiền bạc hay khiếu kiện xử lý trách nhiệm, mà còn cả vấn đề mang tính nhân văn"- ông Quang phân tích.

Sự cố trao nhầm con xảy ra cách đây 6 năm tại tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì (Hà Nội). Trong quá trình sinh con tại đây (ngày 1-11-2012) hai nữ hộ sinh đã trao nhầm con giữa gia đình anh Phùng Giang Sơn (sinh năm 1990, ở xã Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội) và gia đình chị Vũ Thị Hương (sinh năm 1983, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì). Hiện tại, hai bên gia đình đã xét nghiệm ADN và xác định được cháu Phùng Thanh H. (con trai anh Phùng Giang Sơn và chị Phùng Thị Thu Hiền đang nuôi) cùng huyết thống với chị Vũ Thị Hương (Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội). Còn cháu Đoàn Nhật M. (chị Hương đang nuôi) cùng huyết thống với anh Phùng Giang Sơn, chị Phùng Thị Thu Hiền.

Theo anh Phùng Giang Sơn, một trong hai gia đình bị trao nhầm con, từ khi anh biết cháu Đoàn Nhật M. là con mình, anh đã gặp cháu hơn 10 lần và gia đình anh đã sẵn sàng đón cháu về. Tuy nhiên, chị Vũ Thị Hương cho biết chị rất sốc và cần thêm thời gian để hoán đổi con. 


Luật sư nói gì?

Luật sư Nguyễn Doãn Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Ngoài những vướng mắc về thủ tục thì phía chị Vũ Thị Hương vẫn chưa tự nguyện giao nhận con khiến cho hai cháu bé và hai bên gia đình chưa thể đoàn tụ.

Theo quy định tại Điều 90, Điều 91 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì "Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết" và " Cha, mẹ có quyền nhận con, kể cả trong trường hợp con đã chết" . Như vậy, trong trường hợp này vợ chồng anh Sơn, vợ chồng chị Hương hoàn toàn có quyền nhận lại con đẻ của mình; hai cháu bé Đoàn Nhật M. và Phùng Thanh H. cũng có quyền nhận lại cha, mẹ ruột của mình. Việc nhanh chóng tiến hành giao nhận lại con giữa hai gia đình là hoàn toàn hợp lý và hợp pháp.

Tuy nhiên, xét về mặt tình cảm, thấu hiểu tâm lý của một người mẹ đã chăm sóc và nuôi dưỡng cháu Đoàn Nhật M. suốt 6 năm qua, Luật sư Hùng cho rằng điều này là hoàn toàn có thể hiểu và thông cảm được. Bởi lẽ, bên cạnh tình mẫu tử thiêng liêng thì với sự yêu thương gần gũi giữa hai con người trong suốt 6 năm cũng khiến người phụ nữ không dễ gì có thể dứt bỏ ngay được.

Về mặt pháp lý, việc chị Hương chưa chấp nhận trao trả cháu M. cho bố mẹ đẻ của cháu cũng chưa phải là hành vi vi phạm pháp luật. Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ Luật Tố tụng Dân sự, chỉ có tòa án mới là cơ quan có thẩm quyền phán quyết, xác định con cho cha mẹ hoặc cha mẹ cho con. Vì vậy, khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án, thì về mặt pháp lý chị Hương vẫn là mẹ đẻ của cháu M. Không ai có quyền buộc chị Hương phải trao trả cháu M. cho người khác.

Thêm nữa, với các cháu bé, sự thay đổi này là quá đột ngột, nếu hai bên gia đình trao lại con cho nhau ngay lập tức có thể sẽ khiến các cháu hoảng sợ, ảnh hưởng đến tâm lý. Do vậy, việc cần làm lúc này của các gia đình là tạo điều kiện cho các cháu gặp gỡ cha mẹ ruột của mình, để các cháu có thời gian làm quen, thích nghi dần với gia đình mới.

Trong trường hợp một trong hai bên kiên quyết không thực hiện trao trả con, bên còn lại có quyền khởi kiện tòa án giải quyết, khi bản án có hiệu lực, bắt buộc họ phải thi hành.

Luật sư Hùng cũng cho biết tình cảm gia đình là thiêng liêng và là bản năng của mỗi con người. Vậy nên việc người mẹ giao nhận lại con ruột của mình là việc sẽ sớm xảy ra sau khi người mẹ ấy đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho bản thân mình và cho cả đứa con trai chị nuôi dưỡng 6 năm, cũng như chuẩn bị tinh thần để chào đón và yêu thương con trai ruột của chị.

Về phía Bệnh viện Đa khoa Ba Vì, luật sư cho rằng theo quy định tại Điều 597 Bộ Luật Dân sự 2015 thì pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình trực tiếp gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong tình huống này, phía Bệnh viện Đa khoa Ba Vì, nơi xảy ra sự việc, có nghĩa vụ phải bồi thường và xác minh rõ trách nhiệm của các cá nhân để tiến hành xử lý theo đúng quy định.

Giải đáp thắc mắc của phóng viên về trường hợp giữa bệnh viện và hai bên gia đình không thỏa thuận được mức bồi thường. Luật sư Nguyễn Doãn Hùng cho biết để đảm bảo quyền lợi của mình, các bên có quyền thỏa thuận để được bồi thường theo quy định. Trong trường hợp không thể thống nhất, một trong các bên có quyền khởi kiện vụ án dân sự để giải quyết việc bồi thường đó. Trường hợp này, cả hai gia đình đều là bên bị hại có quyền khởi kiện yêu cầu đòi bồi thường về vật chất và tinh thần nếu họ chứng minh được có thiệt hại xảy ra.

Theo đó, hai gia đình cần xác định những chi phí sau đây để yêu cầu bệnh viện xem xét bồi thường:

- Chi phí giám định AND

- Chi phí tìm kiếm, xác minh thông tin để nhận lại con

- Chi phí hành chính để khắc phục hậu quả: chi phí làm lại giấy khai sinh, cải chính hộ tịch, cải chính sổ hộ khẩu, sửa đổi hồ sơ của trẻ tại nhà trường,…

- Tổn thất về kinh tế do phải nghỉ việc để thực hiện công việc tìm kiếm, giám định, cải chính thông tin tại cơ quan hành chính,…

Về tổn thất tinh thần mà hai bên gia đình phải gánh chịu, theo quy định tại khoản 2 Điều 592 Bộ Luật Dân sự 2015 về Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm: "Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định".

Huy Thanh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo