Sáng ngày 5-3, Thầy thuốc nhân dân, Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, ông Nguyễn Viết Đồng, cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận 2 đơn vị máu cực hiếm của thầy giáo Nguyễn Quý Hùng, công tác tại Trường THCS Cao Quảng, Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình và anh Nguyễn Văn Quân (trú tại thị trấn Nông trường Lệ Ninh, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) hiện đang công tác tại Văn phòng HĐND và UBND huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Thầy Hùng và anh Quân đã di chuyển hơn 200 km trong đêm từ Quảng Bình ra Hà Tĩnh để hiến máu cứu bệnh nhân.
Thầy Hùng và anh Quân đang hiến máu để cứu sống bệnh nhân
Trước đó, vào ngày 3-3, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh tiếp nhận bệnh nhân Hồ Thị Thi (70 tuổi, trú tại xã Thạch Lâm, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) nhập viện trong tình trạng rất mệt mỏi, da xanh... Sau khi được thăm khám, các bác sĩ kết luận bà Thi bị thiếu máu nặng do xuất huyết dạ dày và cần phải được truyền máu cấp cứu ngay lập tức.
Tuy nhiên, quá trình xét nghiệm, các bác sĩ đã rất "đau đầu" bởi nhóm máu của bệnh nhân là loại cực hiếm, nhóm máu A, Rh- (tỉ lệ Rh- của cả 4 nhóm máu O, A, B, AB ở người Việt Nam là 0,08% xếp vào loại cực hiếm). Để tìm máu cứu sống bệnh nhân, bệnh viện liên hệ Câu lạc bộ nhóm máu hiếm khu vực miền Trung, vì hiện tại, theo số liệu tại khoa xét nghiệm ở Hà Tĩnh chỉ 1 người có nhóm máu này.
Rất may mắn là trong câu lạc bộ tại tỉnh Quảng Bình có 5 người có cùng nhóm máu với bệnh nhân Thi. Ngay sau khi nhận được liên hệ từ Hà Tĩnh, thầy giáo Nguyễn Quý Hùng và anh Nguyễn Văn Quân đã ngay lập tức vượt hơn 200 km trong đêm tối ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh để hiến máu cứu người.
Bà Thi đang được truyền 2 đơn vị máu cực hiếm.
"Có thể nói đây là một hành động, một nghĩa cử hết sức cao đẹp của anh Hùng và anh Quân. Bởi, đối với máu người, ngoài hai loại kháng nguyên A và B, người ta còn phát hiện trong máu có những kháng nguyên khác, trong đó đáng chú ý là kháng nguyên Rhesus (ký hiệu Rh). Kháng nguyên hệ Rh phân bố thưa thớt trên bề mặt hồng cầu. Khi cơ thể có kháng nguyên Rh thì được gọi là Rh+ (dương tính). Còn nếu cơ thể không có kháng nguyên Rh thì được xem là Rh- (âm tính). Theo thống kê, tỉ lệ Rh+ của người da trắng là 85%, người Mỹ da đen là 95%, người Phi da đen là 100%, người Việt là 99,92%. Nói cách khác, tỉ lệ Rh- của người Việt là 0,08%, rất hiếm"- ông Đồng nói.
Bình luận (0)