Tiếng lành đồn xa. Tôi nghe người quen kể quê anh có một bác sĩ từng làm giám đốc một bệnh viện lớn, khi về hưu đã mở phòng mạch ở một ngôi chùa nhỏ để khám bệnh, bốc thuốc miễn phí cho người nghèo. Chuyện ấy tôi nghe cách đây đã gần 3 năm, vậy mà hình ảnh người thầy thuốc chữa bệnh miễn phí cho người dân nghèo cứ đeo đẳng mãi.
Hy sinh thầm lặng
Một ngày mưa dầm, tôi tìm đến nơi làm việc của vị bác sĩ này. Ông đã ngoài 70 tuổi. Nơi ông mở phòng mạch là ngôi chùa nhỏ với cái tên Hưng Long Tự, ở ấp Doanh Điền, xã Điền Hải, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.
Ngôi chùa nhỏ nằm nép mình bên bờ vuông tôm. Những hàng cây xanh ngắt. Bên trong chùa có một gian phòng đủ kê vài chiếc giường để người bệnh châm cứu hoặc nghỉ lại qua đêm. Kế đó là những hộc tủ nhỏ ngăn nắp, ghi tỉ mỉ từng loại dược liệu. Phía bên trong là cả một kho dược liệu. Các vị ở đây nói với tôi đó là "tài sản quý" của Thầy thuốc Ưu tú - bác sĩ Nguyễn Công Bằng.
Những chiếc chổi dùng gom thuốc được treo ngay ngắn ở một góc phòng. Thấy tôi nhìn những chiếc chổi với ánh mắt tò mò, bác sĩ Nguyễn Công Bằng (mọi người ở đây quen gọi là chú Bảy Bằng), nói: "Những chiếc chổi này bà con mang đến để gom thuốc khi phơi nắng". Ngăn nắp, sạch sẽ, khoa học, đó là cảm nhận của tôi về phòng mạch của chú Bảy Bằng.
Có vài người đến khám bệnh. Những lời chào thân tình giữa bệnh nhân và vị bác sĩ miệt biển cứ như người thân trong gia đình. "Hôm nay, bà thấy trong người thế nào? Tay, chân đỡ nhức mỏi không?". Chú Bảy Bằng hỏi một người vừa đến để khám bệnh.
Rồi chú chăm chú bắt mạch lần lượt cho từng người, tự tay châm cứu, sau đó nâng niu từng thang thuốc Nam gói kỹ lưỡng, trao cho người bệnh. Họ là những người dân nghèo của vùng biển này và hầu hết mang những căn bệnh lâu năm.
"Cảm ơn chú Bảy Bằng". Đó là câu nói tôi nghe rất nhiều lần ở phòng mạch này. Chú Bảy Bằng khám bệnh không tính tiền công cũng chẳng lấy tiền thuốc.
Ánh mắt nhìn xa xăm, chú kể với tôi khi khách đã vãn, rằng tuổi thơ của chú là những tháng ngày sống trong chiến tranh với bữa học bữa nghỉ ở xã An Trạch, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.
Năm 1964, mới 17 tuổi, chú tham gia cách mạng. Lúc đó chỉ mới biết đọc, biết viết. Rồi chú được tổ chức cho đi học cứu thương, học y tá, sau đó đào tạo y sĩ. Khi nước nhà thống nhất, chú tiếp tục công tác ở ngành y. Năm 1980, chú được đi học bác sĩ ở TP HCM. Sau khi tốt nghiệp, chú quay về quê nhà công tác và đảm nhận nhiệm vụ là giám đốc Bệnh viện huyện Giá Rai.
10 năm sau, do nhu cầu chữa bệnh cho nhân dân, cần nâng cao tay nghề hơn nữa, chú lại tiếp tục học chuyên khoa 1 vào năm 1990.
Chú Bảy Bằng kể, những năm đó, dịch sốt xuất huyết hoành hành, cần nhiều dịch truyền (người dân quen gọi là "nước biển") để truyền cho bệnh nhân. Ngặt nỗi nước biển thời đó cũng rất hiếm, mỗi tháng tỉnh giao cho bệnh viện huyện chỉ có 4 chai, nên không thấm vào đâu. Thậm chí phải dùng nước dừa mà cũng không đủ.
Lúc đó, chú nghĩ chỉ có cách lên Bệnh viện Chợ Rẫy ở TP HCM để học cách cất nước biển. Học xong, làm được, nhưng lại đối mặt với cái khó là theo quy định, mỗi năm phải đi kiểm định dụng cụ cất nước biển một lần. Tìm đâu ra tiền để đi kiểm định.
"Cái khó ló cái khôn", chú lại có ý nghĩ táo bạo là bàn với tất cả cán bộ, nhân viên của bệnh viện, kể cả lãnh đạo và đặc biệt là với 2 nhân viên phụ trách cất nước biển, rằng mỗi lần cất và pha nước biển hoàn chỉnh, chính cán bộ nhân viên của bệnh viện phải dũng cảm sử dụng trước để kiểm tra chất lượng nước biển.
"Thời điểm ấy đất nước còn rất khó khăn. Những người công tác ở Bệnh viện huyện Giá Rai ngày ấy đã phải có những hy sinh thầm lặng như thế. Đặc biệt là 2 nhân viên phụ trách pha, cất nước biển đã dũng cảm làm những việc có lợi cho nhân dân, để góp phần cùng các bác sĩ giành lấy từng mạng sống cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Tôi cảm ơn họ đã đồng cam cộng khổ, đồng hành với tôi trong suốt quá trình làm nghề y. Bởi nghề của chúng tôi phải rất tỉ mỉ, chỉ sai sót, dù nhỏ nhưng đôi khi mang lại hậu quả khó lường" - chú Bảy Bằng bày tỏ.
Năm 1990, bác sĩ Nguyễn Công Bằng thực hiện đề tài "Tăng cường bác sĩ về trạm y tế xã". Đề tài này đón nhận nhiều luồng dư luận trái chiều. Chú kể, thời điểm đó, các bác sĩ trẻ cũng "giận" lắm, vì bác sĩ nào cũng thích làm việc ở bệnh viện lớn để có điều kiện, cơ sở vật chất đầy đủ, việc đi lại dễ dàng.
Lúc ấy, Bệnh viện huyện Giá Rai có 20 bác sĩ. Chú mạnh dạn giữ 9 bác sĩ trực tại bệnh viện, còn lại thì tăng cường 11 bác sĩ về trạm y tế của xã, nhất là các xã vùng sâu.
Đây là một quyết định mang tính đột phá. Bởi thời điểm ấy từ trung tâm huyện về các xã đều xa, đường sá nông thôn chỉ là những lộ nhỏ rất khó đi, đa số phải đi lại bằng phương tiện đường thủy vừa mất thời gian vừa chi phí cao. Người dân bấy giờ đa phần khó khăn, không phải ai cũng đủ điều kiện để đi ra bệnh viện huyện thăm khám sức khỏe.
Chưa lúc nào trạm y tế các xã lại đông bệnh nhân như từ khi có các bác sĩ bệnh viện huyện về tăng cường. Có bác sĩ, các trạm y tế xã phát huy được khả năng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng nông thôn tốt hơn. Chú Bảy Bằng nhớ sau chủ trương ấy, chú được mời ra tận Hà Nội báo cáo mô hình "Tăng cường bác sĩ về trạm y tế xã".
Hết lòng truyền nghề cho đồng nghiệp
Hơn 50 năm công tác ở ngành y tế, cũng ngần ấy tuổi Đảng, bác sĩ Nguyễn Công Bằng được người dân ở huyện Giá Rai (nay là thị xã Giá Rai) và huyện Đông Hải tin yêu đúng nghĩa "từ mẫu". Nhiều học trò của chú hiện đang làm những nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế tỉnh.
Bác sĩ Nguyễn Chung Thủy, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Hải, nói: "Chú Bảy Bằng là bậc cha, chú của nhiều thế hệ thầy thuốc ở địa phương. Tôi công tác chung với chú từ thời kháng chiến chống Mỹ. Chú luôn hết lòng truyền nghề và kinh nghiệm cho đồng nghiệp. Hết lòng chăm sóc bệnh nhân, xem người bệnh như người thân của chú. Hiện nay chú đã về hưu, tuy tuổi cao nhưng chú vẫn tiếp tục chăm sóc sức khỏe cho bà con mà không thu tiền. Đó là tấm lòng cao cả của người thầy thuốc, rất đáng trân trọng".
Hằng ngày, Thầy thuốc Ưu tú - bác sĩ Nguyễn Công Bằng đến phòng khám nhỏ của mình để khám bệnh miễn phí cho dân nghèo vùng biển Bạc Liêu
Việc khám chữa bệnh miễn phí cho người dân nghèo là ước nguyện từ lâu của chú Bảy Bằng. Vì thế, từ năm 2008, nghỉ hưu là chú dành trọn thời gian chữa bệnh miễn phí cho người dân. Bằng kinh nghiệm dày dạn cộng với tấm lòng nhân ái, chú đã khám và điều trị cho nhiều người khỏi bệnh.
Không chỉ khám bệnh cho người dân xã Điền Hải mà nhiều người ở tận Cà Mau, Sóc Trăng... cũng tìm đến chú để chữa bệnh. Phòng khám của chú tuy nhỏ nhưng mỗi ngày có khoảng 60-70 bệnh nhân đến khám. Có người ở xa về không kịp trong ngày, chú cho nghỉ lại và mời dùng cơm.
Chan chứa tình người
Thấy chú làm từ thiện, bà con gần đó hỗ trợ chú đi tìm dược liệu. Hội Đông y xã Điền Hải cùng chung tay để chú phục vụ tốt hơn cho bà con. Bà Trần Thị Nga, ngụ xã Long Điền Tây, xúc động bày tỏ: "Tôi thường nhức mỏi và đến châm cứu ở phòng khám chú Bảy Bằng. Yên tâm lắm mà chẳng tốn kém gì. Nhiều người nghèo bệnh nan y cũng tìm đến chú".
Dù có đủ điều kiện để mở phòng mạch riêng lo cho gia đình, nhưng chú Bảy Bằng đã chọn cho mình một hướng đi riêng mang đậm tính nhân văn, chan chứa tình người. Nguyện vọng của chú là có nhiều thuốc và còn sức khỏe để phục vụ bệnh nhân, bởi chú đã hứa với Đảng là phục vụ nhân dân suốt đời.
Gần như đội mưa suốt chặng đường về với xã miền biển, nhưng tôi thấy lòng mình ấm áp bởi cuộc sống này còn có người sống tốt và sống có ý nghĩa như chú Bảy Bằng. Trong câu chuyện của chú kể, tôi còn biết thêm nhiều tấm gương khác của ngành y - những người đã và đang thầm lặng cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
CÁC ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!