xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Họ đã có ngày đoàn viên

ĐỖ THÀNH ĐỒNG

Thời thuốc men khan hiếm, bà Lê Thị Thức lao vào nghiên cứu, nuôi chí khôi phục nghề thuốc Đông y gia truyền của nhà chồng, trước thì cứu nhân độ thế, sau thỏa tình đạo hiếu dâu con

Tôi và lương y Trần Lý Minh - Chủ tịch Hội Đông y huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) - là chỗ bạn văn thân thiết với nhau, nên dạo mẹ tôi bệnh, anh nhận lời đến tận nhà để khám. Vừa gặp, nghe anh nói chất giọng vùng Roòn (vùng Bắc huyện Quảng Trạch), mẹ tôi hỏi luôn: "Xin lỗi, hình như thầy là con bà Thức đông y? Đôi mắt thầy giống bà lắm!".

Cả vùng Roòn ai cũng biết

Lương y Trần Lý Minh nghe mẹ tôi hỏi thì rất ngạc nhiên: "Cô biết mẹ con à?". Mẹ tôi cười: "Bà Thức đông y gia truyền nổi tiếng, ai mà không biết. Tôi may mắn được bà khám và chữa lành bệnh sản, ơn bà lớn lắm!". Sau đó, mẹ cứ hối thúc tôi sắp xếp thời gian ra Roòn thăm bà Thức để mẹ gửi biếu món quà.

Họ đã có ngày đoàn viên - Ảnh 1.

Hội Người cao tuổi Việt Nam tặng bằng tôn vinh lễ cưới kim cương cho hai cụ Trần Đình Hiếu và Lê Thị Thức

Lúc tôi đến, cụ Thức đã 92 tuổi nhưng vẫn minh mẫn lạ thường. Chồng cụ Thức là cụ Trần Đình Hiếu - nhà nghiên cứu văn hóa, hơn vợ một tuổi nhưng cũng minh mẫn không hề kém cạnh. Hai cụ ở chung với con trai út là lương y Trần Nhân trong ngôi nhà khuất sau xóm nhỏ, bệnh nhân tấp nập vào ra.

Hai cụ tiếp trà tôi trên bộ ghế đá đặt dưới gốc khế nhiều tuổi. Cụ Thức móm mém cười khi nghe tôi hỏi chuyện thời hai cụ yêu nhau, rồi nhìn chồng: "Anh kể cho cháu nó nghe chuyện hồi mình gặp lại nhau đi, em ngại lắm". Cụ Hiếu nháy mắt với tôi rồi cười với vợ: "Anh lẩn thẩn rồi, em nhớ e chính xác hơn". Ở tuổi gần tròn trăm mà hai cụ vẫn còn gọi nhau anh - em ngọt xớt khiến tôi bái phục.

Vừa lúc đó, có một cụ đến chơi. Cụ Hiếu giới thiệu đó là bác sĩ Khanh, 80 tuổi. Bác sĩ Khanh xởi lởi: "Nhà văn hỏi chuyện bà Thức đông y à? Cả vùng Roòn này trẻ già ai cũng biết. Tôi kể cho mà nghe".

Nói xong, bác sĩ Khanh cất giọng hát vè: "Với lời mộc mạc thôn quê/ Tôi xin kể một bài vè nôm na/ Kể về bà Thức quê nhà/ Sáu mươi năm cội cây già y lâm… Đấy, người ta còn viết thành vè về bà Thức đông y nữa đó chú ạ". Qua lời bác sĩ Khanh, những mẩu chuyện về bà Thức tái hiện.

Bà tên thật là Lê Thị Thức, sinh năm 1926, trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Cổ Hiền, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình; là chị gái đầu trong bốn chị em gái. Lên 8 tuổi, bà mồ côi cả cha lẫn mẹ. Các em nhỏ được chú ruột đem về nuôi, riêng bà phải đi ở đợ. Năm 12 tuổi, bà được người cậu họ đưa về nuôi, phục vụ nghề thuốc Bắc. Thấy cháu gái ngoan, thông minh, ông cậu đã khai tâm cho nghề thuốc.

Cách mạng Tháng Tám thành công, cô Thức 19 tuổi và xin vào làm chiến sĩ cứu thương cho đội tự vệ thị xã Đồng Hới.

Tháng 3-1947, Pháp tái chiếm Đồng Hới, cô Thức lên chiến khu làm chiến sĩ cứu thương tại Tiểu đoàn 163. Tháng 4-1949, cô Thức được chuyển về làm y tá của bệnh viện thuộc Trung đoàn 18 đóng tại xã Đồng Lào, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Khi cô Thức đến thì bệnh viện này đang tiếp nhận một chiến sĩ trong tình trạng mê man từ đơn vị chiến đấu chuyển về. Đó là chiến sĩ Trần Đình Hiếu, bị hội chứng sốt viêm màng não. Cô Thức được bệnh viện phân công chăm sóc anh.

Vận dụng chữa trị kết hợp

Bấy giờ, thuốc chữa bệnh rất khan hiếm, cứ hai bệnh nhân được cấp phát một lọ penicillin kèm 20 viên Sunfamit để chữa viêm màng não.

Vốn có hiểu biết về nghề thuốc đông y, cô Thức đã vận dụng chữa trị kết hợp và được lãnh đạo bệnh viện đồng ý. Nhờ vậy, rất nhiều bệnh binh được nhanh chóng chữa lành, trong đó có chiến sĩ Hiếu.

Như duyên trời định, mấy hôm sau cô Thức bị tháo dạ phải cấp cứu. Không ngờ chiến sĩ Hiếu cũng là con nhà đông y gia truyền ba đời, thấy cô Thức mắc bệnh này là trong tầm tay mình nên ở lại giúp cô chữa khỏi. Rồi hai người tỏ tình với nhau, tình yêu họ lớn dần theo sức khỏe.

Ngày qua ngày, chiến sĩ Hiếu tận mắt chứng kiến y tá Thức theo dõi, chăm sóc nhiệt tình, thấu đáo cho thương bệnh binh như thế nào. Có bệnh nhân Bùi Quang Đỉnh bị sốt không thể nằm được, cô Thức lấy lưng mình làm chỗ dựa trong nhiều giờ, nhiều ngày liền. Chiến sĩ Nguyễn Chít rối loạn tâm thần, xông tới ôm chặt Thức, cô nhẹ nhàng gỡ tay anh, dịu dàng an ủi và sau đó gọi bác sĩ… Nhiều bệnh binh vệ sinh tại chỗ, mặc dù dơ bẩn nhưng cô Thức không nề hà mà luôn vui vẻ lau dọn. Thương bệnh binh vì thế nên ai cũng quý mến cô Thức.

Họ đã có ngày đoàn viên - Ảnh 2.

Hai cụ Lê Thị Thức và Trần Đình Hiếu .Ảnh: VĂN NÊN

Năm 1950, Trung đoàn 18 di dời về chiến khu Bến Tiêm, cách Cổ Hiền quê cô Thức không xa. Tại đây, đơn vị tổ chức lễ cưới cho hai người. Tuy nhiên, sang đầu năm 1951, sau những trận sốt rét triền miên, sức khỏe không bảo đảm, cô Thức được phép xuất ngũ về an dưỡng tại quê chồng ở thôn Di Luân thuộc vùng Roòn.

Về quê chồng mới được hơn 1 tháng thì cô Thức nhận tin như sét đánh ngang tai: Chồng mất tích trong một trận đánh. Cô hóa điên hóa dại, vấn khăn tang rồi đi lang thang tìm chồng.

Ấy vậy mà tháng 3-1951, khi máy bay Pháp ném bom chợ Roòn khiến 100 người bị sát hại, người bị thương thì la liệt, cô Thức bỗng dưng bừng tỉnh, lao vào cấp cứu, dùng miệng hút dị vật trong mũi bệnh nhân, hô hấp nhân tạo, cứu sống được 8 người. Sau trận này, cô Thức được ủy ban kháng chiến của huyện tặng giấy khen.

Năm 1952, hòa bình lập lại ở miền Bắc, cô được mời vào làm ở trạm xá xã Quảng Tùng. Đây là trạm xá duy nhất ở vùng Roòn thời đó. Lúc này, tính ra cô đã góa chồng 4 năm. Bốn năm ấy sống trong sự nhớ nhung, tiếc thương và hy vọng. Ở cái tuổi 28 còn hương sắc, nhiều người khuyên đi thêm bước nữa nhưng cô lắc đầu, ngày đêm miệt mài cứu chữa bệnh nhân.

Cô Thức lao vào nghiên cứu các bài thuốc để chữa trị bệnh bằng đông y. Sẵn kiến thức học được từ thời ở với ông cậu, lại có truyền thống gia đình chồng nhiều đời làm thuốc Bắc và các cụ để lại rất nhiều sách vở, tài liệu, cô Thức nuôi chí khôi phục nghề thuốc đông y gia truyền của nhà chồng, trước thì cứu nhân độ thế, sau thỏa tình đạo hiếu dâu con.

Ngày 19-5-1955, trong lúc cô đang vật lộn với một ca đẻ khó, mồ hôi nhễ nhại, thì có người chạy đến báo tin Trần Đình Hiếu trong đoàn quân trở về. Cô đứng sững một lúc, hai hàng nước mắt cứ thế ròng ròng. Nhưng rồi cô quyết định cúi xuống tiếp tục lo mọi việc cho sản phụ "mẹ tròn con vuông".

Khi mọi việc vừa hoàn tất thì cũng là lúc Hiếu về đến nơi và chạy ùa đến. Vợ chồng ôm nhau, niềm vui không nói được nên lời. Rồi sau đó, Hiếu thấy vợ đã thông thạo thuốc Bắc, anh quyết định để vợ theo đuổi nghề gia truyền, còn mình theo việc xã hội, khi rảnh rỗi thì giúp vợ.

Cứu người làm phúc thường xuyên

Bác sĩ Khanh dừng kể, nhấp một ngụm trà rồi lại cất tiếng ngâm vè: "Đường về Di Luân - xứ Roòn/ Người thăm bà Thức đạp mòn đường đi/ Thăm bà bởi lý do gì?/ Rằng bà là một lương y mẹ hiền/ Cứu người làm phúc thường xuyên/ Tiếng tăm vang vọng khắp miền gần xa".

Quả vậy thật, dân vùng này ai cũng biết những câu chuyện kể bà Thức cứu người. Có chuyện khi chiến tranh, một chị đang đi sơ tán. Gần đến ngày ở cữ, chị lo quá, bèn chạy đến trại sơ tán nơi cô Thức đang ở, nhờ khám thai rồi năn nỉ xin ở lại. Theo tập quán của địa phương, việc người ngoài đến sinh đẻ ở nhà mình là tối kị. Nhưng cô Thức thì cho rằng đó là định kiến lạc hậu, nên vui vẻ tiếp nhận. Sản phụ mẹ tròn con vuông, cô Thức nuôi nấng chăm sóc sau hai tuần mới chia tay.

Có chị nữa ở cách xa 15 km, đi chợ Roòn nhưng gần đến nơi thì trở dạ. Chị lao vào nhà bà Thức. Thế rồi bà Thức nhiệt tình làm bà đỡ, chăm sóc mẹ con chu đáo. Hai hôm sau, bà thuê xe đưa mẹ con sản phụ về tận nhà.

Bà Thức có những kỹ năng mà nhiều người trong nghề vẫn chưa học được. Đơn giản như chuyện tiêm không đau. Những đứa trẻ nghe nói đến việc đi tiêm là khóc ngằn ngặt, vậy mà khi đến bà Thức, thấy bà nhoẻn cười, đưa ống tiêm lên là không hiểu sao lại nín bặt cho bà tiêm ngon lành.

Bác sĩ Khanh nói với tôi rằng sẽ không bao giờ kể hết những chuyện làm thuốc cứu người của bà Thức. Việc bệnh nhân đến cắt thuốc, chữa trị mà thiếu tiền, rồi được bà biếu luôn thì là như cơm bữa. Bà chỉ mong giúp chồng an tâm công tác xã hội tốt và nuôi nấng 9 đứa con nên người chứ không cần giàu có gì. Con bà hiện có người đã có học hàm học vị phó giáo sư, tiến sĩ. Trong đó có lương y Trần Lý Minh và lương y Trần Nhân là người đang nối nghiệp tổ tiên.

Nhớ lần cuối tôi gặp cụ Hiếu, cụ chỉ cho tôi xem những bằng khen, huy chương của cụ Thức treo đầy nhà, rồi nói: "Tôi cảm ơn vợ tôi đã nối nghiệp tổ tiên. Bà ấy cũng thỏa mãn lắm. Vui hơn nữa là Trần Lý Minh đã nghe lời mẹ, lặn lội trên đỉnh Chóp Chài, tìm lại được giống sâm Bố Chính bản địa quý hiếm về để bảo tồn và phát triển". 

"Khi tôi viết những dòng này thì cụ Lê Thị Thức và chồng là cụ Trần Đình Hiếu đều đã rời cõi tạm. Nhưng cụ Thức đã kịp truyền lại một phần nghề thuốc đông y tài hoa cho các con và điều quý giá nhất chính là y đức ngời sáng của cụ đã được lưu truyền cho hậu thế.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo