PGS-TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, khẳng định như vậy sau khi có những nghi ngại về tình trạng phơi nhiễm HIV trong quá trình tham gia cấp cứu người bệnh nhiễm HIV.
Theo PGS Nguyễn Hoàng Long, việc xử trí các trường hợp phơi nhiễm HIV, trong đó có phơi nhiễm do rủi ro nghề nghiệp, đã được hướng dẫn rõ ràng trong Luật Phòng chống HIV/AIDS và các văn bản liên quan. Trong trường hợp phơi nhiễm HIV, cần rửa ngay vết thương dưới vòi nước, nếu vết thương chảy máu thì để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương. Rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch.
Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc mắt, phải rửa mắt bằng nước cất hoặc nước muối NaCl 0,9% liên tục trong 5 phút. Nếu phơi nhiễm qua mũi, miệng cũng phải rửa mũi hoặc súc miệng bằng nước cất hay dung dịch NaCl 0,9% nhiều lần. Sau đó, cần xác định tình trạng HIV của nguồn gây phơi nhiễm để xem xét nguồn phơi nhiễm có nhiễm HIV hay không. Tư vấn cho người bị phơi nhiễm về các nguy cơ nhiễm HIV và viêm gan B, C, điều trị dự phòng ARV.
Điều trị ARV cho người bị phơi nhiễm HIV phải được thầy thuốc chỉ định. Không tự mua thuốc dùng. Nếu xác định có nguy cơ, người bị phơi nhiễm sẽ được điều trị dự phòng bằng thuốc kháng HIV trong vòng 4 tuần. "Việc điều trị dự phòng cần tiến hành sớm ngay sau khi bị phơi nhiễm từ 2-6 giờ hoặc tối đa là trước 72 giờ. Sau 72 giờ, việc điều trị không có tác dụng dự phòng. Uống thuốc hằng ngày trong vòng một tháng. Sau dùng thuốc một tháng sẽ xét nghiệm lại. Sau 3 tháng kể từ khi dùng thuốc dự phòng, cần xét nghiệm lại lần 2. Nếu kết quả xét nghiệm lại lần 2 âm tính, trường hợp phơi nhiễm đó có thể khẳng định không bị nhiễm HIV. Các dịch vụ liên quan đến tư vấn, điều trị và xét nghiệm đều được miễn phí" - ông Long nhấn mạnh.
Cũng theo PGS Nguyễn Hoàng Long, nếu cá nhân nghi ngờ được điều trị dự phòng đúng quy định và sớm trong vòng 48 giờ sau phơi nhiễm thì có thể giảm được đến 80% khả năng nhiễm HIV. Cũng cần nói thêm là nếu bệnh nhân nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV) thường xuyên thì tải lượng virus HIV trong máu xuống thấp, có thể giảm đến 95% khả năng lây nhiễm HIV cho người khác.
Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long cũng cho biết mỗi năm đều có các trường hợp y - bác sĩ, nhân viên y tế nguy cơ bị phơi nhiễm trong quá trình thực hiện công việc chuyên môn như phẫu thuật, tiêm truyền, thăm khám và chăm sóc người nhiễm HIV nhưng chưa có trường hợp nào bị nhiễm HIV sau khi phơi nhiễm.
Bình luận (0)