Bác sĩ (BS) Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) - Liên hiệp Các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nhìn nhận vụ việc BS phi tang xác nạn nhân ở Hà Nội mới đây lại một lần nữa khiến xã hội phải trăn trở về y đức của thầy thuốc hiện nay.
Ngành y đối mặt nhiều tai tiếng
Tìm được thi thể người thân sau gần 1 tuần dưới dòng nước lạnh giá Ảnh: VĂN DUẨN
“Tôi không thể tưởng tượng được một BS lại có hành vi như thế. Dù giải thích thế nào đi nữa thì không ai có thể chối bỏ được đấy là biểu hiện của tình trạng tha hóa nghiêm trọng của một bộ phận thầy thuốc. Kể cả khi chúng ta chưa đề cập vấn đề chuyên môn mà mới chỉ nói đến cách ứng xử của thầy thuốc, cách giải quyết vấn đề của ngành y tế đã thấy rất không bình thường. Vì thế, những ngày qua, dư luận rất bất bình, bức xúc, thậm chí phản ứng dữ dội khi y đức thực sự đã tụt tới mức đe dọa vượt ngưỡng chịu đựng của dân chúng đối với một bộ phận những người làm trong ngành y” - ông Tuấn trăn trở.
Cho rằng nghề nào cũng cần đạo đức nghề nghiệp nhưng theo Anh hùng Lao động, GS-TS Phạm Gia Khải - Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, trong nghề y thì đạo đức là số 1, vì đây là nghề chữa bệnh cứu người. “Sự việc xảy ra tại thẩm mỹ viện Cát Tường ảnh hưởng đến danh dự của bất cứ ai đã gắn bó cả cuộc đời với nghề y cao quý. Khi chọn nghề nghiệp, các BS đều đã phải thấm nhuần “thiếu đức thì không thể làm thầy thuốc” - GS Khải thốt lên.
GS Khải cho biết từ xưa, đại danh y Lê Hữu Trác đã dành hẳn một chương Y huấn cách ngôn trong cuốn sách đồ sộ Hải Thượng y tông tâm lĩnh để nói về đạo đức của thầy thuốc. Danh y đưa ra 9 điều mà thầy thuốc nên theo và giáo huấn. “Thầy thuốc là nghề bảo vệ sinh mạng con người. Thế thì đâu thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành động không thận trọng mà liều lĩnh khi làm nghề cao quý đó?” - ông nói.ạo đức của thầy thuốc. Danh y đưa ra 9 điều mà thầy thuốc nên theo và giáo huấn. “Thầy thuốc là nghề bảo vệ sinh mạng con người. Thế thì đâu thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành động không thận trọng mà liều lĩnh khi làm nghề cao quý đó?” - ông nói.
Đừng biến bệnh nhân thành chuột bạch
Theo BS chuyên khoa II Đỗ Hoàng Giao - Phó trưởng Ban Chuyên trách Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe Thành ủy TP HCM, nguyên giám đốc BV Nhân dân Gia Định - y đức chưa hẳn nằm ở những lý thuyết “lương y như từ mẫu”, “xem nỗi đau của bệnh nhân là nỗi đau của mình”, mà đôi khi chỉ giản đơn là sự nhìn nhận một cách tôn trọng, có trách nhiệm của thầy thuốc dành cho bệnh nhân.
Từng đứng trên bục giảng nhiều trường y, BS Giao luôn nhắc những người được mình hướng dẫn một câu nói mà các vị thầy của ông ngày trước đã căn dặn: “Đừng biến bệnh nhân thành Cobaye”. Ông giải thích: “Cobaye tức là chuột bạch, con vật thường được dùng để thí nghiệm. Bệnh nhân thì không thể trở thành vật thí nghiệm. Một BS học được kỹ thuật mới nhưng chưa thạo mà muốn dùng nó trên bệnh nhân thì trước tiên hãy tự hỏi: Nếu người nằm đó là vợ mình, là cha mẹ mình thì mình liệu có dám thử? Nếu câu trả lời là không thì đừng làm. Còn trong trường hợp bệnh nhân đang nguy ngập, nếu có một lối thoát với chỉ 1% hy vọng cũng hãy cứu lấy họ cho dù có thể mình thất bại. Bởi lẽ, nếu mình có phương tiện, mình biết có cơ hội cứu mà không cứu thì cũng là trái với y đức, trái với lời thề Hyppocrates” - ông phân tích.
Nhà trường dạy y đức như thế nào?
PGS-TS-BS Nguyễn Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, khẳng định: Y đức không thể được dạy gói gọn trong một vài học phần, mà phải kết hợp với các chương trình ngoại khóa, thực tế tại cộng đồng, xen lẫn vào nội dung của từng môn học.
Tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, sinh viên được dạy về y đức thông qua một số học phần thuộc bộ môn khoa học hành vi và giáo dục sức khỏe, trong các năm học thứ 1, 4 và 6, do những bác sĩ đầu ngành, nhiều năm công tác giảng dạy. Sinh viên ở tất cả các năm học đều có cơ hội đi thực tập tại các bệnh viện, về cộng đồng để tiếp xúc với dân, nghe họ nói và từ đó học cách giao tiếp với bệnh nhân. Ngoài ra, nhà trường còn thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu, cả lễ tri ân những người hiến xác hằng năm - xem như các bài học thiết thực về y đức để sinh viên tự “thấm” và biết sống có trách nhiệm hơn với màu blouse trắng.
Với cương vị hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, một trong những “cái nôi” đào tạo ra những BS tương lai, PGS-TS Nguyễn Đức Hinh bày tỏ sự bàng hoàng, xót xa khi biết tin một cựu sinh viên của trường - BS Nguyễn Mạnh Tường - lại có hành động như vậy. “Trong ngành y, trường hợp tai biến dẫn đến tử vong dù ít nhưng không hiếm gặp. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng một BS có kinh nghiệm như anh Tường lại hành động thiếu suy nghĩ như vậy” - ông Hinh xót xa.
Theo ông Hinh, ngay từ khi nhập trường, sinh viên đã được học lời thề Hippocrates, học tấm gương Hải Thượng Lãn Ông, 12 điều Y đức Việt Nam, các quy định của Bộ Y tế về đạo đức của thầy thuốc... “Trước đây, đạo đức y tế được dạy lồng ghép trong các môn học nhưng từ năm 2010, bộ môn này được ngành chú trọng, tách ra thành môn độc lập với tên gọi Y xã hội học và y đức. Ngoài những kiến thức trong nhà trường và thực tế cuộc sống, chúng tôi mong muốn toàn thể sinh viên hãy coi nhiệm vụ rèn luyện đạo đức nghề y là một nhiệm vụ suốt đời mình. Bởi lẽ, y đức là gốc rễ của mỗi cán bộ y tế” - ông Hinh nhấn mạnh.
Bác sĩ Trần Tuấn cho rằng căn nguyên của vấn đề sâu xa là do lỗi hệ thống cấu trúc ngành y tế trong môi trường kinh tế thị trường. Việc duy trì chế độ quản lý tài chính công - tư lẫn lộn và mức lương thấp, việc để BS công phải sống chủ yếu nhờ vào chạy việc làm tư, rồi cả BV công lẫn tư đều vận hành trong khung cảnh thiếu vắng giám sát chất lượng độc lập..., đã vô hình trung làm nên bức tranh tối màu của ngành y.
Hành động của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường không chỉ biểu hiện y đức xuống cấp mà còn là hành động phi nhân tính của một con người. (Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến) |
Phải tìm rõ nguyên nhân
GS Phạm Gia Khải trăn trở: “Nói cho cùng, cái tâm con người là quan trọng. Học rất nhiều về y đức nhưng nếu học vẹt, không có tâm thì sẽ vẫn vô cảm với nỗi đau của người bệnh, của đồng loại… Không thể hô hào chung chung mà phải xem xét nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái về y đức để đề ra các biện pháp khắc phục”.
Theo GS-TS Khải, nghề y là một nghề đặc biệt, vì vậy không phải ai cũng có thể trở thành thầy thuốc. “Những ai có mục đích kiếm tiền bằng nghề y thì tốt nhất là không theo nghề này”- ông nói. |
Nỗi đau của ngành y Ngày 26-10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chính thức lên tiếng với báo giới sau vụ bác sĩ phi tang xác nạn nhân. “Đây là sự việc hết sức nghiêm trọng, là nỗi đau xót của ngành y tế. Hành động của BS Nguyễn Mạnh Tường không còn là biểu hiện y đức xuống cấp mà là hành động phi nhân tính của một con người. Không riêng bản thân tôi mà tất cả cán bộ, nhân viên trong ngành y tế đều trải qua các cung bậc cảm xúc trước sự việc trên, từ chỗ thấy choáng váng, sốc đến phẫn nộ, đau xót và buồn vì vị BS này đã phản bội lời thề Hippocrates, bất tuân luật pháp và các quy định, sai phạm về pháp luật - hoạt động không phép, hành nghề không đúng chuyên khoa, vi phạm nghiêm trọng quy chế chuyên môn, làm liều dẫn đến tử vong cho nạn nhân. Việc vứt xác nạn nhân xuống sông phi tang là một hành động không còn tính người” - bộ trưởng bày tỏ. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, để xảy ra sai phạm trên, trách nhiệm thuộc về nhiều phía, mà trước hết là của chính cá nhân người vi phạm, của các cấp sở tại và quản lý ngành. Thế nhưng, để một thẩm mỹ viện hoạt động khi chưa có giấy phép hành nghề là lỗi của ngành, là công tác quản lý, thanh tra chưa tốt. “Nói không biết nhân viên dưới quyền có thẩm mỹ viện ngay đối diện BV là không hợp lý”- bà nêu rõ. Lên án những hành động thiếu đạo đức nghề nghiệp và đạo đức con người nói chung, bà Nguyễn Thị Kim Tiến cũng kêu gọi cả xã hội giúp đỡ ngành y tế. Bà cho biết Bộ Y tế đã ra một loạt văn bản cũng như chỉ thị và tập huấn đến 6.000 người, đến cả cấp huyện. Theo bộ trưởng, đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp hay y đức có những giao thoa nhất định và nghề nào cũng có kẻ tốt, người xấu. Vẫn còn rất nhiều thầy thuốc tận tâm với nghề, ngày đêm cứu sống bệnh nhân dù cuộc sống của họ còn rất nhiều vất vả, thiếu thốn. Tất nhiên, y đức vẫn là vấn đề quan trọng và ngành y tế sẽ gia tăng các hoạt động giáo dục, kêu gọi và tiếp tục áp dụng những kỷ luật nghiêm khắc hơn không chỉ với các sinh viên ngành y mà còn với các BS chuyên khoa, y tá, hộ lý... Ngọc Dung |
Bình luận (0)