"Các giao dịch xuất khẩu và nhập khẩu liên quan đến Israel đã bị dừng lại, áp dụng với tất cả mặt hàng" - tuyên bố của Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, đồng thời cho biết thêm các biện pháp mới sẽ được thực hiện cho đến khi chính phủ Israel cho phép dòng viện trợ nhân đạo đầy đủ và không bị gián đoạn tới Dải Gaza.
Phản ứng trước động thái trên, ông Israel Katz, Bộ trưởng Ngoại giao Israel, cho biết đã chỉ đạo bộ này tìm kiếm lựa chọn thay thế liên quan đến thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ, tập trung vào sản xuất nội địa và nhập khẩu từ nước khác.
Hồi tháng rồi, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ công bố các biện pháp hạn chế thương mại nhằm vào Israel sau khi cáo buộc nước này không cho phép Ankara tham gia hoạt động thả hàng cứu trợ xuống Dải Gaza. Theo Reuters, kim ngạch thương mại giữa hai nước này đạt 6,8 tỉ USD năm 2023.
Cuộc khủng hoảng tại Dải Gaza còn dẫn đến làn sóng biểu tình làm rung chuyển các trường đại học ở Mỹ. Theo đài CNN, cảnh sát đã bắt hơn 2.000 người khi họ tiến hành giải tán biểu tình bên trong khuôn viên các trường đại học kể từ ngày 18-4.
Phần lớn người biểu tình kêu gọi thỏa thuận ngừng bắn tức thì giữa Israel và nhóm vũ trang Hamas tại Dải Gaza. Một đòi hỏi khác là nhà trường thoái vốn khỏi các công ty ủng hộ Israel và cuộc xung đột ở Dải Gaza. Một số vụ đụng độ đã diễn ra giữa hai phe ủng hộ Palestine và Israel.
Đối mặt sức ép chính trị gia tăng, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 2-5 lần đầu tiên lên tiếng về diễn biến trên. Theo nhà lãnh đạo này, người Mỹ có quyền biểu tình nhưng không có quyền sử dụng bạo lực và gây hỗn loạn. Ông Biden cũng nhấn mạnh các cuộc biểu tình trên không làm ông xem xét lại chính sách về Trung Đông.
Bình luận (0)