Hội nghị đặc biệt của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) diễn ra tại thủ đô Riyadh - Ả Rập Saudi trong 2 ngày 28 và 29-4, tập trung thảo luận những thách thức toàn cầu trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, theo báo The National. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo và quan chức đến từ gần 100 nước, cũng như đại diện nhiều tổ chức quốc tế và doanh nghiệp.
Các cuộc thảo luận tại hội nghị WEF tập trung tìm kiếm giải pháp cho một loạt thách thức toàn cầu liên quan đến kinh tế, khí hậu và các vấn đề nhân đạo. Một sự kiện bên lề hội nghị cũng thu hút nhiều chú ý khi giới chức nhiều nước nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận hòa bình cho Dải Gaza.
"Chúng tôi hiện có những nhân vật chủ chốt ở Riyadh, hy vọng các cuộc thảo luận có thể dẫn đến một tiến trình hướng tới hòa giải và hòa bình" - Chủ tịch WEF Børge Brende nói tại cuộc họp báo ở Riyadh hôm 27-4. Ông Brende cho biết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza sẽ nằm trong chương trình nghị sự của WEF.
Theo ông Brende, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ tham dự các cuộc họp cùng với nhiều lãnh đạo, quan chức trong khu vực, như: Thủ tướng Qatar, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ả Rập Saudi, Thái tử Oman và giới chức Bahrain.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ai Cập cũng sẽ có mặt để cập nhật kết quả vòng đàm phán mà nước này làm trung gian, tổ chức tại Israel hôm 26-4. "Đã có chút động lực cho các cuộc đàm phán về con tin và cũng có thể có một lệnh ngừng bắn" - ông Brende tiết lộ.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận ông Blinken sẽ thăm Ả Rập Saudi trong 2 ngày 29 và 30-4 để gặp gỡ các đối tác trong khu vực, bàn về những nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza và thả con tin Israel. Một nội dung thảo luận quan trọng khác là duy trì và tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho Gaza.
Israel không tham dự các sự kiện tại Riyadh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Israel, ông Israel Katz, ngày 28-4 cho biết kế hoạch tấn công trên bộ vào TP Rafah ở Dải Gaza có thể tạm dừng nếu nước này đạt được thỏa thuận thả con tin với nhóm vũ trang Hamas. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình địa phương Channel 12, ông Katz nhấn mạnh việc giải thoát con tin là ưu tiên hàng đầu của Israel.
Trước đó một ngày, Hamas cho biết đã nhận được phản hồi chính thức của Israel đối với đề xuất ngừng bắn mới nhất của nhóm này và sẽ xem xét trước khi trả lời.
Đề xuất này được Hamas đưa ra trong các cuộc đàm phán do Ai Cập và Qatar làm trung gian hôm 13-4. Theo trang tin Axios, Israel đã nói với các nhà hòa giải Ai Cập rằng đây là "cơ hội cuối cùng" để đạt được thỏa thuận trước khi chiến dịch quân sự trên bộ nhằm vào TP Rafah bắt đầu.
Hamas và Israel đang bất đồng về phạm vi của thỏa thuận, bao gồm số lượng con tin có thể được thả và lệnh ngừng bắn sẽ kéo dài bao lâu. Hamas muốn có một thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn nhưng Israel đã bác bỏ đòi hỏi này. Theo Reuters, Mỹ và 17 nước hôm 25-4 đã kêu gọi Hamas thả tất cả con tin Israel để mở đường cho việc chấm dứt khủng hoảng. Hơn 130 con tin vẫn đang bị cầm giữ ở Dải Gaza.
Nỗ lực giảm căng thẳng Israel - Hezbollah
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Stephane Sejourne đã đến thăm Lebanon ngày 28-4 trong nỗ lực ngăn tình hình khu vực thêm căng thẳng và nguy cơ xảy ra xung đột giữa Israel với phong trào Hezbollah được Iran hậu thuẫn. Chuyến thăm diễn ra giữa lúc Israel và Hezbollah tăng cường tấn công ăn miếng trả miếng sau khi Iran không kích Israel bằng tên lửa và máy bay không người lái hôm 13-4.
Trước đó, theo Reuters, ông Sejourne đã đưa ra đề xuất rằng đơn vị tinh nhuệ của Hezbollah rút về vị trí cách biên giới Israel 10 km. Trong khi đó, Israel sẽ ngưng không kích miền Nam Lebanon. Pháp đã thảo luận đề xuất này với các đối tác, trong đó có Mỹ nhưng vẫn chưa có tiến triển gì thêm.
Phía Hezbollah khẳng định sẽ không tham gia đàm phán cho đến khi có thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza. Israel cũng muốn bảo đảm khu vực biên giới phía Bắc yên bình trở lại để hàng ngàn người dân di dời có thể trở lại đó mà không sợ bị tấn công bằng rốc-két từ phía bên kia biên giới.
Phương Võ
Bình luận (0)