Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), tính từ đầu năm 2024 đến nay, tổng số ca sốt phát ban nghi sởi được ghi nhận tại cộng đồng và cơ sở y tế trên địa bàn TP HCM là 597 ca, trong đó số ca dương tính với sởi là 346 ca (bao gồm 153 trẻ cư ngụ tại TP HCM và 193 trẻ cư ngụ tại các tỉnh, thành khác). Trong khi đó, 3 năm từ 2021-2023, cả thành phố chỉ có 1 ca bệnh sởi.
Nhận định về nguyên nhân tăng các ca bệnh gần đây, ngành Y tế TP HCM cũng cho biết do gián đoạn tiêm chủng trong và sau đại dịch COVID-19; tỉ lệ tiêm chủng sởi mũi 1 cho trẻ sinh năm 2023 trên địa bàn thành phố chỉ mới đạt 89,2% và chưa có quận, huyện nào đạt trên 95% (tỉ lệ bao phủ vắc-xin sởi giúp phòng ngừa dịch sởi bùng phát). Đồng thời, tỉ lệ tiêm chủng vắc-xin sởi mũi 2 cho trẻ sinh năm 2019 đến năm 2022 cũng chưa đạt 95%.
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, có khả năng gây ra các biến chứng nặng nề như viêm phổi, nhiễm trùng ruột, viêm não... Đáng chú ý, virus sởi lây rất nhanh, hơn 90% người chưa tiêm chủng hoặc chưa từng mắc bệnh chắc chắn sẽ nhiễm khi tiếp xúc với mầm bệnh. Trong đó, trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, trẻ mắc các bệnh nền, hệ miễn dịch suy yếu... sẽ có nguy cơ nhiễm sởi cao hơn và dễ trở nặng.
Theo chu kỳ, dịch sởi có khả năng bùng phát 4-5 năm/lần. Ví dụ, nếu năm nay tiêm sót vắc-xin sởi cho 100 trẻ thì một năm sau, 100 trẻ này vẫn được những đứa trẻ đã chủng ngừa khác bảo vệ. Tuy nhiên, nếu cứ mỗi năm tiêm sót 100 trẻ thì 5 năm sau, số trẻ chưa được chủng ngừa nhân lên 500, lúc này cộng đồng xung quanh không thể bảo vệ hết được, các ca nhiễm bệnh trong cộng đồng bắt đầu tăng cao. Đó là nguyên nhân tại sao cứ chu kỳ 4-5 năm, bệnh sởi sẽ bùng phát một lần.
Đặc biệt, virus sởi chủ yếu tấn công vào nhóm trẻ chưa được chủng ngừa vắc-xin hoặc đã tiêm phòng nhưng không đủ liều, từ đó lây lan cho các nhóm đối tượng có hệ miễn dịch kém khác. Bên cạnh đó, những trẻ này có khả năng trở thành "cầu nối" lây nhiễm cho người lớn chưa được chủng ngừa sởi trước đây, thậm chí lây cho cả trẻ nhỏ chưa đến tuổi chỉ định tiêm ngừa sởi.
Do đó, khi tỉ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt trên 95% với 2 liều vắc-xin, bệnh sởi mới có thể được loại trừ hoàn toàn. Tuy nhiên, hiện tỉ lệ tiêm chủng trên địa bàn thành phố chưa đạt, bệnh lây lan nhanh, trẻ chưa được tiêm ngừa đủ mũi có thể khiến nguy cơ bùng phát dịch sởi.
Ngoài ra, bệnh sởi không chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ mà ngay cả người trưởng thành cũng có thể mắc bệnh và thường không xuất hiện các triệu chứng điển hình. Điều này cũng khiến người bệnh vẫn sinh hoạt và tiếp xúc cộng đồng bình thường, tăng nguy cơ lây lan mầm bệnh.
Để phòng ngừa bệnh, cần chủ động tiêm đủ mũi vắc-xin ngừa sởi (mũi 1 khi trẻ 9 tháng, mũi 2 trẻ 18 tháng) cho trẻ khi đến tuổi. Đồng thời, với phụ nữ trước khi mang thai cần tiêm chủng vắc-xin sởi - quai bị - rubella tránh biến chứng thai kỳ.
Bình luận (0)