Chiều 25-6, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trình báo cáo của Chính phủ về các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1-7-2024. Sau đó, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về nội dung này.
Tổng nhu cầu tăng thêm 913.000 tỉ đồng
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận thống nhất chủ trương để Chính phủ báo cáo QH triển khai thực hiện việc tăng lương cơ sở, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội từ ngày 1-7-2024. Cụ thể, thực hiện đầy đủ 2 nội dung cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp theo đúng Nghị quyết 27-NQ/TW: Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ Luật Lao động, tăng 6% áp dụng từ ngày 1-7-2024, quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước, áp dụng từ ngày 1-1-2025.
Đối với 2/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công gồm các bảng lương mới (bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương), Chính phủ đề xuất trong thời gian chưa đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương, cho thực hiện giải pháp tăng lương khu vực công từ ngày 1-7-2024 với 3 nội dung: Thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%); cho nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp và một số chế độ đặc thù của lực lượng vũ trang và của cán bộ, công chức, viên chức một số chuyên ngành mà trong quá trình thực hiện phát sinh bất hợp lý; thực hiện bảo lưu tiền lương và thu nhập đối với các cơ quan, đơn vị hiện đang được áp dụng cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù.
Với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 0,3 triệu đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng/tháng. Trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%). Trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).
Trình bày báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của QH Nguyễn Thúy Anh cho biết theo báo cáo của Chính phủ, tổng nhu cầu kinh phí điều chỉnh lương cơ sở tăng 30%, thực hiện tiền thưởng 10% quỹ lương cơ bản, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp lũy kế 3 năm 2024-2026 tăng thêm 913.000 tỉ đồng.
Không lo nguồn tăng lương
Thảo luận tại tổ 9, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, ĐB Nguyễn Xuân Thắng (đoàn Quảng Ninh) lưu ý việc tăng lương phải đồng bộ với kiểm soát giá. "Mục tiêu nâng lương là để nâng cao đời sống người dân, CB-CNVC. Không cẩn thận thì tỉ lệ tăng giá lại vượt hơn tỉ lệ tăng lương, không cải thiện, không tạo được động lực cho người dân" - ông Thắng phát biểu.
Thảo luận tại tổ ở Đoàn ĐBQH TP HCM sau đó, ĐB Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Chính phủ cần báo cáo rõ vì sao trong 5 năm qua, cơ quan thống kê nhà nước không công bố mức sống tối thiểu hằng năm. "Cho đến nay, chúng ta không có số liệu mức sống tối thiểu của Việt Nam phải là bao nhiêu nên chưa có cơ sở xác định được mức lương tối thiểu để bảo đảm mức sống tối thiểu" - ông Nguyễn Thiện Nhân nói. ĐB Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận việc tăng 30% lương cơ sở là tốt cho công chức, viên chức, rất có ý nghĩa, tuy nhiên chúng ta vẫn chưa bám sát được nghị quyết của trung ương là phải xác định mức sống tối thiểu.
Còn theo ĐB Trần Hoàng Ngân, lúc đầu ông rất kỳ vọng từ ngày 1-7 sẽ chính thức áp dụng cải cách tiền lương theo chế độ tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 27 của trung ương nhưng bất ngờ là từ ngày 1-7 không thực hiện theo đề án cải cách đó mà chỉ thực hiện điều chỉnh tăng theo mức lương cơ sở. Dù vậy, ông đồng tình theo giải trình của Chính phủ về việc phải thực hiện có lộ trình, từng bước, thận trọng, chắc chắn và bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, khả năng chi trả của ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát giá cả thì việc tăng lương sẽ không có ý nghĩa.
Về nguồn kinh phí, ĐB Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cho rằng không lo về nhu cầu khoảng 900.000 tỉ đồng, bởi việc tích lũy nguồn để tăng lương từ năm 2023 đến nay đã được 680.000 tỉ đồng. Tuy vậy, cung một lượng tiền lớn trong khoảng 2 năm rưỡi (từ nay đến năm 2026) ra xã hội thông qua việc trả lương thì nguy cơ lạm phát sẽ rất cao. Kiến nghị Chính phủ có các biện pháp để triển khai đồng bộ, tích cực, quyết liệt để kiểm soát lạm phát. Đây cũng là vấn đề mà nhiều cử tri, nhân dân bày tỏ ý kiến lo lắng.
Hôm nay, 26-6, QH thảo luận ở hội trường về: dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1-7-2024.
Bí thư Thái Nguyên được bầu làm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Với 92,4% ĐBQH tán thành, QH đã thông qua nghị quyết bầu bà Nguyễn Thanh Hải (54 tuổi), Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, làm Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH khóa XV. Bà Nguyễn Thanh Hải quê Hà Nội, là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, XIII; ĐBQH khóa XIII, XIV, XV và có trình độ chuyên môn là PGS-TS vật lý.
Chiều cùng ngày, với đa số ĐBQH tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết về việc cho thôi làm nhiệm vụ ĐBQH khóa XV đối với ông Đinh Tiến Dũng - nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV TP Hà Nội.
Bình luận (0)