Kể từ ngày 1-7, lương tối thiểu (LTT) vùng sẽ tăng 6%, mức điều chỉnh tăng vùng I sẽ là 4.960.000 đồng/tháng, vùng II là 4.410.000 đồng/tháng, vùng III là 3.860.000 đồng/tháng, vùng IV là 3.450.000 đồng/tháng. Mức điều chỉnh trên cao hơn khoảng 2% so với mức sống tối thiểu đến hết năm 2024, cải thiện phần nào đời sống cho người lao động (NLĐ). Ngoài cải thiện thu nhập, NLĐ còn được hưởng lợi khi nhiều chế độ trợ cấp BHXH cũng tăng lên.
Phấn khởi khi được tăng lương
Đã 2 năm chưa được tăng lương nên chị Trần Thị Thu Ngân, công nhân (CN) Công ty TNHH Gonze (KCX Tân Thuận, TP HCM), rất kỳ vọng vào đợt tăng lương lần này.
Chị Ngân là lao động chính trong gia đình, thu nhập hằng tháng khoảng 6 triệu đồng/tháng, còn chồng là lao động tự do, thu nhập bấp bênh nên tháng nào vợ chồng chị cũng thiếu trước hụt sau. "Mỗi tháng gia đình tôi chỉ chi tiêu gói ghém khoảng 3 triệu đồng. Cũng vì cuộc sống quá khó khăn nên vợ chồng tôi không dám có con. Được tăng lương dù ít hay nhiều tôi cũng rất mừng" - chị Ngân nói.
Hàng trăm CN tại Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong (KCN Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP HCM) đều mong chờ tăng lương. Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong áp dụng trả lương thời gian, khi LTT vùng được điều chỉnh thì thu nhập của NLĐ được nâng lên ít nhất 280.000 đồng/người/tháng.
Hiện mức lương thấp nhất cho lao động làm công việc đơn giản nhất là 4,68 triệu đồng cộng với khoản tăng 7% và các loại phụ cấp khác (tổng phụ cấp khoảng 2,5 triệu đồng/người/tháng). Vì vậy, sau khi điều chỉnh, mức lương thấp nhất tại doanh nghiệp (DN) là 5,3 triệu đồng cộng 2,5 triệu đồng phụ cấp.
Hàng chục ngàn CN tại Công ty CP TKG Taekwang Vina (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cũng chuẩn bị đón nhận tin vui tăng lương thứ 2 trong năm 2024. Từ đầu năm, ngoài sớm công bố tăng lương định kỳ hằng năm (3% lương cơ bản) và tăng trợ cấp đi lại thêm 50.000 đồng/người/tháng, công ty cũng tăng 100.000 đồng/người vào lương cơ bản cho NLĐ.
DN cam kết tăng bổ sung khoản chênh lệch so với mức điều chỉnh tiền LTT vùng vào thời điểm Nghị định quy định mức LTT vùng có hiệu lực trong năm 2024. "Chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ nên CN phải thắt lưng buộc bụng mới đủ sống. Vì vậy, với chúng tôi không có gì vui hơn tin tăng lương" - CN Bùi Thị Tú bộc bạch.
Đang mang thai ở tháng thứ 5 nên chị Trịnh Thị Mỹ Linh, CN Công ty TNHH Giày Dona Standard Việt Nam (tỉnh Đồng Nai), cũng khấp khởi mừng khi tiền lương và mức đóng BHXH tăng trong thời gian tới. Tiền trợ cấp thai sản sắp tới chị nhận được cũng sẽ cao hơn. Chị cho biết công ty đóng BHXH theo thu nhập nên CN không bị thiệt thòi về chế độ BHXH.
"Cái lợi của điều chỉnh LTT vùng là ngoài cải thiện thu nhập, NLĐ hưởng lợi nhiều hơn nhờ mức đóng BHXH tăng lên. Như trường hợp của tôi, khi nghỉ thai sản tôi cũng không quá lo lắng bởi trợ cấp thai sản không chênh lệch nhiều với mức lương khi đi làm" - chị Linh nói.
Vừa mừng vừa lo
Được tăng lương là tin vui song xen lẫn trong sự vui mừng, nhiều CN cũng bày tỏ lo ngại tăng lương sẽ đi kèm tăng giá.
Chị Nguyễn Thị Loan (CN may tại một DN ở TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết công ty trả lương theo sản phẩm nên LTT vùng chỉ dùng làm căn cứ đóng các khoản bảo hiểm để hưởng các chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và tính tiền tăng ca. Thời gian qua, do công ty ít đơn hàng nên CN chỉ làm giờ hành chính.
Khi tăng LTT, NLĐ sẽ đóng BHXH với mức cao hơn, lợi về lâu dài nhưng thu nhập thực tế tăng không đáng kể. "Thu nhập được cải thiện là điều hết sức phấn khởi nhưng tôi lo vật giá leo thang, điều này khiến việc tăng lương không còn nhiều ý nghĩa" - chị Loan bày tỏ.
Cùng nỗi lo, vợ chồng anh Nguyễn Văn Hận, CN Công ty TNHH Việt Giai Thành (quận 8, TP HCM), cũng hy vọng tăng lương đợt này sẽ không kéo theo tăng các chi phí như thực phẩm, nhà trọ… bởi thời gian qua, giá điện, xăng tăng đã tạo không ít áp lực cho CN. Nhà trọ gần công ty nên vợ chồng anh và con trai đều đi bộ đến chỗ làm để tiết kiệm chi phí. Trước đây, với 50.000 đồng, gia đình anh đã có một bữa tối tươm tất nhưng hiện tại phải chi gấp đôi. Buổi sáng, cả nhà đều ăn uống qua loa trước khi đi làm, rất ít khi mua đồ ăn sáng ở ngoài.
Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), việc tăng lương cơ sở từ 1-7 có ý nghĩa lớn nhưng cần có các giải pháp kiềm chế để giá cả không tăng. Nếu tăng lương xong lại tăng giá thì không giải quyết được vấn đề gì. Hàng hóa nào tăng giá trong thời gian trước và sau khi lương tăng thì cần phải đặc biệt lưu tâm quản lý chặt chẽ, để tránh tình trạng giá chạy theo lương.
"Cứ mỗi lần có đợt tăng lương là giá hàng hóa rục rịch tăng. Để việc tăng lương thực sự có ý nghĩa, ổn định đời sống người lao động, các bộ, ngành cần có giải pháp kiềm chế lạm phát và bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu. Các cấp Công đoàn cần đẩy mạnh chương trình phúc lợi để kịp thời san sẻ khó khăn với người lao động" - bà Phan Thị Minh Thu, Giám đốc Công ty Giày dép Vĩnh Phong, góp ý.
Bình luận (0)