Dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn song chị Trịnh Thị Thanh Mai (quận Bình Thạnh, TP HCM) vẫn kiên trì đóng BHXH tự nguyện suốt 4 năm qua. Với những thay đổi trong chính sách BHXH theo Luật BHXH 2024 (có hiệu lực từ 1-7), chị hy vọng cuộc sống khi về già của mình sẽ đỡ lo hơn.
Nâng mức hỗ trợ
Năm nay, chị Mai đã ngoài 40 tuổi. Trước đây, chị Mai là công nhân một công ty may tại tỉnh Bình Dương và có 10 năm tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, thời điểm dịch COVID-19 năm 2020, công ty chị gặp khó khăn dẫn đến giải thể. Sau nỗ lực tìm kiếm việc làm nhưng không có kết quả, cuối cùng chị chọn làm việc tự do, nhận hàng về may gia công tại nhà để có thời gian chăm sóc gia đình.
Khi ấy, chị cũng suy nghĩ có nên rút BHXH một lần hay không nhưng sau khi bàn bạc với chồng, chị chọn bảo lưu và tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để có lương hưu. Tuy nhiên, cuộc sống còn nhiều khó khăn, cả gia đình phải ở nhà thuê nên khi đóng BHXH tự nguyện, chị chỉ chọn mức đóng tối thiểu.
Khi Luật BHXH 2024 ra đời, giảm số năm đóng tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, chị Mai rất mừng vì chỉ cần đóng BHXH tự nguyện thêm 1 năm là đủ điều kiện tối thiểu về thời gian đóng BHXH để có lương hưu. Dù vậy, chị vẫn lo mức đóng quá thấp nên sẽ dẫn đến lương hưu thấp. Chị Mai bày tỏ: "Điều tôi mong mỏi nhất là nhà nước sẽ tăng tỉ lệ hỗ trợ trên mức đóng BHXH hằng tháng đối với người tham gia BHXH tự nguyện để đỡ một phần gánh nặng cho gia đình".
Khó khăn hơn là trường hợp của chị Huỳnh Ngọc Bích Sơn (lao động tự do tại quận 8). Chị Sơn cũng từng có thời gian tham gia BHXH tự nguyện nhờ được sự hỗ trợ của các đoàn thể song do hoàn cảnh hiện tại còn khá chật vật trong khi mức đóng BHXH tự nguyện vượt quá khả năng nên chị đang tạm ngưng đóng hơn 1 năm nay. Lúc ấy, chị dự tính khi gia đình vượt qua khó khăn sẽ sớm tham gia BHXH tự nguyện trở lại.
Thế nhưng, một mình phải gồng gánh gia đình, chồng sức khỏe yếu, không thể làm việc còn các con đang độ tuổi ăn học nên chị phải trì hoãn việc đóng BHXH tự nguyện. "Nếu không có sự hỗ trợ về mức đóng của nhà nước thì khả năng tiếp tục tham gia BHXH của tôi là rất thấp. Trong trường hợp không thể đóng tiếp thì tôi có được hưởng chế độ gì cho quãng thời gian đã đóng hay không?" - chị Sơn đặt câu hỏi.
Mức hưởng phải tương xứng
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH 2024 về BHXH tự nguyện. Trong đó, có 2 phương án tăng tỉ lệ hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện.
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, cho biết sẽ ủng hộ phương án 1, tức tăng mức hỗ trợ từ 30% lên thành 50% đối với người tham gia BHXH là người thuộc hộ nghèo; tăng mức hỗ trợ từ 25% lên thành 40% đối với người tham gia BHXH là người thuộc hộ cận nghèo; bổ sung đối tượng được hỗ trợ là người thuộc dân tộc thiểu số, mức hỗ trợ 30%; tăng mức hỗ trợ từ 10% lên thành 20% đối với người tham gia khác.
Còn phương án 2 cơ bản giữ nguyên đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ như hiện hành, chỉ bổ sung đối tượng được hỗ trợ là người thuộc dân tộc thiểu số với mức hỗ trợ 20%, sẽ không tăng tính hấp dẫn của chính sách. Ông Tín không đồng tình với đề xuất việc tính mức hưởng trợ cấp BHXH một lần của NLĐ tham gia BHXH tự nguyện không bao gồm kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Bởi lẽ, nguyên tắc của BHXH là đóng - hưởng, nên đóng thế nào thì mức hưởng phải tương xứng. "Mức hưởng là một trong những yếu tố quyết định việc tham gia BHXH tự nguyện của NLĐ. Do vậy, cần tính mức hưởng trên mức đóng để thu hút người tham gia" - ông Tín nói.
Ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, cho biết thời gian qua, để gia tăng số lượng người tham gia BHXH tự nguyện, BHXH TP đã thực hiện nhiều giải pháp. Cụ thể, tích cực vận động người dân nhất là lao động khu vực phi chính thức và các đối tượng không thuộc diện bắt buộc tham gia BHXH tự nguyện; cung cấp danh sách NLĐ ngừng tham gia BHXH bắt buộc cho các tổ chức dịch vụ thu khai thác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện; thường xuyên rà soát, đánh giá, mở rộng mạng lưới tổ chức dịch vụ thu và nhân viên thu...
Dù vậy, số người tham gia vẫn thấp, tính đến cuối năm 2024, tại TP HCM có 69.241 người tham gia BHXH tự nguyện. Nguyên nhân là mức đóng cao, trong khi thu nhập người dân thấp, mức hỗ trợ của nhà nước chưa mang lại nhiều ý nghĩa; chính sách hưởng BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn. Do đó, BHXH TP kiến nghị TP có chính sách hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương để giảm bớt khoản đóng BHXH tự nguyện cho người dân, nhất là các đối tượng khó khăn.
"BHXH TP sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tìm hiểu về chính sách và dễ dàng liên hệ tham gia BHXH tự nguyện" - ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, cho biết.
Bình luận (0)