icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tạo cơ chế, sức bật cho tín dụng xanh

THÁI PHƯƠNG

Nền kinh tế đang có cơ hội chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, cần làm mạnh mẽ để thúc đẩy tín dụng xanh

Tại talkshow "Giải pháp phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam" do Báo Người Lao Động tổ chức vào sáng 29-5, TS Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia đã có chủ trương khá sớm về phát triển tín dụng xanh.

Cơ hội lớn nhất

Cụ thể, từ năm 2014, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành khá nhiều chính sách thúc đẩy và phát triển tín dụng xanh. Ngay tại TP HCM, kinh tế xanh, tín dụng xanh cũng được triển khai từ sớm. 

Nhiều chuyên gia quốc tế nhận định thúc đẩy kinh tế xanh, tín dụng xanh vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn nhất cho các nước đang phát triển nếu thành công trong chuyển đổi xanh. Thực tế, một số ngành xuất khẩu của Việt Nam đã gặp khó khăn do chậm chuyển đổi xanh.

Theo TS Trần Du Lịch, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đề ra một loạt quy định về những lĩnh vực có thể cấp tín dụng xanh, như ngành sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, dự án liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý chất thải, nhà ở môi trường, phục vụ hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học… 

"Đây là khung pháp lý tương đối rộng. Theo tôi, TP HCM chỉ nên tập trung vào năng lượng tái tạo. Như năng lượng gió ngoài khơi Cần Giờ có tiềm năng rất lớn hay điện mặt trời, điện mái nhà, điện sinh khối, các chương trình như chuyển, giảm khí thải trong giao thông. Với các doanh nghiệp (DN), một trong những chi phí tài chính trong tương lai là mua hoặc thu lợi từ tín chỉ carbon. Những vấn đề này đặt ra bài toán về hỗ trợ các DN tiếp cận tín dụng xanh" - TS Trần Du Lịch phân tích.

Các đại biểu, khách mời tham dự talkshow “Giải pháp phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam” do Báo Người Lao Động tổ chức Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Các đại biểu, khách mời tham dự talkshow “Giải pháp phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam” do Báo Người Lao Động tổ chức Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo thống kê của NHNN, đến ngày 31-3, có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với giá trị gần 637.000 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP HCM, phân tích dù con số khiêm tốn nhưng nếu so với con số dư nợ khoảng 71.000 tỉ đồng giai đoạn 2015 khi mới triển khai, mức tăng trưởng hằng năm là rất lớn (cao hơn nhiều lần so với tăng trưởng tín dụng chung của ngành kinh tế). Thống kê trong tổng dư nợ 637.000 tỉ đồng của tín dụng xanh, tín dụng trung - dài hạn chiếm khoảng 77% và tập trung vào nông nghiệp xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, nước sạch cho đô thị, nông thôn…

Các chuyên gia trong nước cũng thừa nhận cơ hội cho tăng trưởng xanh là rất lớn nhưng vẫn còn những rào cản, thách thức. PGS-TS Lê Thị Thúy Hằng, Phó Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường ĐH Tài chính - Marketing, nhìn nhận kinh tế xanh là xu thế tất yếu và là một trong 5 trọng điểm của phát triển bền vững, gồm đáp ứng các nhu cầu hiện tại nhưng không làm ảnh hưởng đến các nhu cầu của thế hệ tương lai. 

Tín dụng xanh tại Việt Nam gặp 2 vấn đề chính là các nguồn vốn tài trợ từ Chính phủ có giới hạn, thị trường chứng khoán còn hạn chế nên nguồn vốn chính trong nền kinh tế đến từ hệ thống NH. Do đó, tín dụng xanh là cơ sở tài chính để xây dựng nên hệ thống tài chính xanh. 

"Tín dụng xanh có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, bổ trợ cho các hoạt động kinh tế giảm bớt ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và là cơ sở tài chính cung cấp cho các dự án xanh hướng tới phát triển bền vững" - PGS-TS Lê Thị Thúy Hằng cho biết.

Đẩy mạnh dòng chảy xanh, cách nào?

Hầu hết các NH thương mại đều nhận ra nhu cầu vay vốn tín dụng xanh từ các DN là rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nên đã chủ động đẩy mạnh hoạt động này từ rất sớm. 

Ông Ngô Bình Nguyên, Giám đốc chiến lược NH TMCP Phương Đông (OCB), cho biết thời gian qua, khách hàng DN của OCB thường chia sẻ về chiến lược phát triển bền vững, có thực hành ESG (môi trường, xã hội và quản trị DN) để bảo đảm việc đáp ứng các yêu cầu của đối tác, nhất là đối tác quốc tế. 

Ở tầm quốc gia, các điều khoản trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết đều có yêu cầu về phát triển bền vững. Các DN muốn xuất khẩu hàng hóa đi châu Âu, Mỹ, Nhật đều phải có lộ trình đáp ứng các yếu tố xanh, giảm phát thải và có yếu tố quan tâm tới người lao động, minh bạch thông tin… 

"OCB là một trong những NH cổ phần đầu tiên có chiến lược phát triển NH xanh, bền vững ESG đồng hành với sự tư vấn của đối tác chiến lược là Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC). Tại Việt Nam, dù có định hướng của Chính phủ, NHNN nhưng vẫn thiếu khung hướng dẫn cụ thể để triển khai tài chính xanh. 

Do đó, OCB đi theo hướng tham khảo từ các đối tác chiến lược có kinh nghiệm triển khai từ những thị trường quốc tế, từ đó xây dựng chính sách cho NH về cho vay xanh, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường" - ông Nguyên nói.

Tuy vậy, cũng như các hoạt động cho vay truyền thống, điều đầu tiên khi tiếp cận tín dụng xanh là người dân, DN phải có phương án sử dụng vốn khả thi và có khả năng trả nợ. Đồng thời, tín dụng xanh được nhiều NH thúc đẩy ở 2 khía cạnh là cơ hội kinh doanh mới và cơ hội đóng góp vào phát triển xã hội.

Tạo cơ chế, sức bật cho tín dụng xanh- Ảnh 4.

Ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối Khách hàng DN - NH TMCP Phát triển TP HCM (HDBank), cho biết NH đã làm việc với những định chế nước ngoài, tổ chức tài chính quốc tế để huy động nguồn vốn quốc tế. 

Từ những năm 2015, HDBank đã có chính sách cho tín dụng xanh và hiện giải ngân được khoảng 15.000 tỉ đồng. HĐQT của NH đặt mục tiêu vốn tín dụng xanh sẽ chiếm khoảng 15% tổng dư nợ. "Để làm được điều này, NH sẽ có chính sách tín dụng phù hợp, xây dựng kế hoạch kinh doanh khả thi và thu hút được dòng vốn quốc tế đáp ứng nhu cầu cho vay trong nước. 

Đặc biệt, trong năm 2024, toàn bộ khách hàng DN của NH sẽ được xem xét qua lăng kính rủi ro môi trường xã hội theo đúng những tiêu chuẩn của các tổ chức tín dụng nước ngoài. Một hồ sơ tín dụng sẽ được thẩm định tín dụng môi trường xã hội và hạn mức tín dụng cũng được cấp phù hợp cho cả câu chuyện tín dụng xanh" - ông Phương nói.

Làm sao có thể phát triển dòng chảy xanh này? Theo các chuyên gia, sản phẩm có tính chất xanh cần đầu tư nhiều vốn hơn. Vì vậy, quan trọng không kém là khách hàng cũng phải chấp nhận mức giá sản phẩm xanh cao hơn, cả người tiêu dùng nước ngoài lẫn người tiêu dùng trong nước.

Chính sách của nhà nước hiện không thiếu nhưng cần mạnh mẽ hơn và trong tương lai có thể tạo thành xu hướng dòng tiền chính dẫn dắt nền kinh tế. Muốn vậy, TS Trần Du Lịch cho rằng cần thống nhất một số điều khoản về Luật Bảo vệ môi trường; cần rõ danh mục, lĩnh vực, ngành nghề… để thống nhất tiêu chí về tín dụng xanh hoặc không xanh. Từ đó, mạnh dạn áp dụng cơ chế ưu đãi cho tín dụng xanh. 

"Nên chăng, trong kế hoạch 5 năm tới (giai đoạn 2026-2030), nhà nước cần lấy triết lý phát triển kinh tế xanh là tiêu chí dẫn dắt. Đồng thời, NH tích cực nhưng nguồn tín dụng lại chưa dồi dào vì vẫn quản lý theo quota (hạn mức). Có nên mở rộng hạn mức tín dụng xanh hoặc bỏ luôn hạn mức đối với tín dụng xanh để khuyến khích? Khi đó, dư địa cho NH thương mại triển khai cho vay xanh sẽ mạnh mẽ hơn" - TS Trần Du Lịch đề xuất. 

TS TRẦN DU LỊCH - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia:

Ưu đãi lãi suất cho lĩnh vực xanh

TP HCM có thể nghiên cứu triển khai ưu đãi lãi suất cho lĩnh vực xanh để tạo sức bật mạnh mẽ cho các DN; tận dụng được các nguồn tín dụng quốc tế thông qua cơ chế, chính sách. Cần hoàn thiện toàn bộ hệ thống pháp luật, chính sách, đồng bộ cho tín dụng xanh để dẫn dắt sự phát triển. Từ năm 2026 trở đi, nếu không xanh hóa nền kinh tế, chúng ta sẽ lỡ cơ hội phát triển nhanh, mạnh.

Đồng thời, các NH cũng cần đầu tư về nguồn nhân lực cho tín dụng xanh để thực thi, bởi lực lượng này còn có vai trò giám sát tín dụng xanh. Tránh trường hợp vay thì xanh nhưng dòng tiền lại chảy vào chỗ không xanh, nên cần giám sát để tạo thúc đẩy, công bằng.

Ông VÕ QUAN HUY, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình:

DN rất muốn "xanh hóa"

Tại Huy Long An, chúng tôi định hướng phát triển kinh tế bền vững theo hướng an toàn thực phẩm, tận dụng các chế phẩm từ chăn nuôi và thực vật… Tín dụng là mạch máu của DN, để phát triển kinh tế xanh sẽ cần nhiều vốn. Như vùng ĐBSCL và miền Đông Nam Bộ là cơ hội lớn đầu tư năng lượng mặt trời nhưng lại thiếu thiết bị tích điện. Làm sao đầu tư được năng lượng mặt trời xong có thể tích điện để dùng lâu dài cho sản xuất xanh là khó khăn của DN.

Về bảo vệ môi trường, DN cần hệ thống tái tạo nguồn phế thải, phải đầu tư hệ thống hạ tầng khá tốn kém. Đến giờ này, công ty mới bắt đầu tìm đối tác để xử lý các vấn đề phát thải. Đối với các DN xuất khẩu, yêu cầu về xanh là tất yếu và các DN cũng rất muốn được hỗ trợ tín dụng xanh, góp phần tạo lợi thế cho sản phẩm xuất khẩu.

Ông NGÔ BÌNH NGUYÊN, Giám đốc chiến lược NH TMCP Phương Đông (OCB):

Nghiên cứu mô hình nước ngoài

Tại Trung Quốc, 2 năm nay một tổ chức tài chính đã triển khai mô hình cho vay dựa trên dữ liệu của khách hàng, cấp tín dụng những khoản vay giá trị nhỏ và vừa, dưới 10 tỉ đồng cho DN nhỏ và vừa (SME). Các SME này dùng nguồn vốn để tạo ra những sản phẩm xanh, sản phẩm hướng đến ESG.

Việt Nam có thể tiếp cận theo hướng này, cho SME vay với các khoản vay nhỏ thông qua số hóa, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xanh, đáp ứng nhu cầu trong nước và nước ngoài. Nếu mô hình này được áp dụng, vừa thúc đẩy tín dụng xanh vừa áp dụng số hóa mà lại tạo giá trị cho cộng đồng SME.

Tạo cơ chế, sức bật cho tín dụng xanh- Ảnh 5.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo