Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là xu thế tất yếu, là mục tiêu mà nhiều quốc gia đang hướng tới, trong đó có Việt Nam. Trong xu thế đó, tín dụng xanh đóng vai trò quan trọng, góp phần "xanh hóa" các hoạt động đầu tư vào sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN), giảm thiểu tác động tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế, môi trường và xã hội.
Tăng cường cho vay
Nhận thức được tầm quan trọng đó, từ năm 2015 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành loạt chính sách, thủ tục pháp lý nhằm định hướng, hướng dẫn các tổ chức tín dụng phát triển hoạt động NH xanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Đặc biệt, Thông tư 17/2022/TT-NHNN về quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, bắt buộc các tổ chức tín dụng thực hiện quản lý rủi ro về môi trường khi cấp tín dụng cho các nhóm dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.
Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều NH đã triển khai loạt chính sách tín dụng xanh. Mới đây nhất, vào ngày 28-5, NH HSBC Việt Nam và Công ty CP Gemadept (hoạt động trong lĩnh vực khai thác cảng và logistics) đã ký kết thỏa thuận tài trợ tín dụng liên kết bền vững, bước tiếp theo trong kế hoạch phát triển, tiếp cận dòng vốn xanh của Gemadept.
Theo HSBC Việt Nam, Gemadept đã trải qua quy trình quản lý và phê duyệt tín dụng bền vững của NH. Chưa dừng lại ở đó, DN này phải tiếp tục hoàn thành việc đo lường và báo cáo phát thải khí nhà kính tại các cảng, cũng như đạt được những tiêu chí cảng xanh Việt Nam do Cục Hàng hải Việt Nam ban hành.
8 giờ 30 phút sáng nay, 29-5, Báo Người Lao Động tổ chức talkshow "Giải pháp phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam", với sự tham gia của các chuyên gia, doanh nghiệp và ngân hàng. Talkshow được phát sóng trực tiếp (livestream) trên các nền tảng điện tử của báo.
Vài ngày trước, NH UOB Việt Nam đã ký kết thỏa thuận tiện ích tài trợ thương mại xanh với Công ty CP Xuất nhập khẩu Bến Tre (BETRIMEX) - nhà sản xuất hàng đầu Việt Nam về các sản phẩm từ dừa.
Để được cấp tín dụng xanh, BETRIMEX đã vượt qua quy trình xét duyệt tín dụng xanh nghiêm ngặt của UOB Việt Nam, tập trung vào việc đánh giá sự tuân thủ các nguyên tắc ESG (môi trường, xã hội và quản trị) của DN. Khoản tín dụng này sẽ giúp DN nhập khẩu hoặc mua nguyên vật liệu thô, hàng hóa trong nước để sản xuất các sản phẩm có chứng nhận Organic, bao gồm chứng chỉ Fairtrade. Trước đó, tính đến quý IV/2023, UOB Việt Nam đã cấp tín dụng cho 17 dự án năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, cùng với 7 dự án công nghiệp xanh.
Tại NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), từ năm 2016, NH đã bắt đầu triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ "nông nghiệp sạch" với quy mô vốn tối thiểu 50.000 tỉ đồng cho DN, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại... tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn. Lãi suất cho vay giảm từ 0,5% - 1,5 điểm % so với lãi suất ưu đãi cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Tính đến cuối năm 2023, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh tại Agribank đạt 28.277 tỉ đồng, với 42.883 khách hàng, tập trung vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, lâm nghiệp bền vững, nông nghiệp xanh... Hiện Agribank đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hỗ trợ tín dụng đối với Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025 và đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và giảm phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030"…
Khái niệm còn mơ hồ
Dưới góc độ DN, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết trong xu thế chuyển đổi xanh và phát triển bền vững buộc các DN dệt may phải tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng theo tiêu chuẩn xanh nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường châu Âu.
"Trong bối cảnh đó, cần có những khoản tài chính lãi suất thấp để DN đầu tư vào chuyển đổi xanh, xanh hóa các nhà máy, khu công nghiệp dệt nhuộm. Tuy vậy, hiện nay, chỉ có DN lớn mới đủ tài sản thế chấp đầu tư cho chuyển đổi xanh. Còn DN vừa và nhỏ sẽ khó khăn hơn do không có tài sản có tính ổn định" - ông Giang phản ánh.
Cũng theo lãnh đạo VITAS, khi nhận thức về tín dụng xanh hiện còn chưa rõ ràng, từng DN phải tìm cho mình lối đi riêng để giải quyết nút thắt về tài chính. Nếu không chủ động tìm cách xoay xở tài chính để đầu tư vào chuyển đổi xanh mà trông chờ vào nhà nước, NH, DN sẽ khó đáp ứng được yêu cầu của thị trường và phát triển bền vững. "Mỗi DN có mối quan hệ với các nhãn hàng, đối tác thì có thể đặt vấn đề với họ để vay vốn đầu tư chuyển đổi xanh nhằm đáp ứng đơn hàng của họ" - ông Giang gợi ý giải pháp.
Ông Trần Văn Sơn, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Gia Bảo, cho biết công ty vừa khởi công dự án nhà máy chế biến nông sản và thực phẩm Bà Tư Bình Phước (tỉnh Bình Phước) theo hướng xanh hóa, tổng vốn đầu tư 6,5 triệu USD bằng nguồn vốn tự có và vay thương mại thông thường.
"Chúng tôi đã chủ động xanh hóa chuỗi sản xuất từ vùng trồng, hướng tới canh tác hữu cơ, nhà máy sử dụng 100% năng lượng mặt trời, sản phẩm sử dụng bao bì thân thiện môi trường,… nhưng vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi. Nguyên nhân chủ yếu do các tiêu chí về "xanh" vẫn chưa có, cũng chưa có quy định nào cụ thể để NH áp dụng. Chúng tôi đang chuẩn bị hồ sơ chứng minh DN sản xuất xanh, khi NH cần để áp dụng lãi suất ưu đãi thì sẽ đáp ứng ngay" - ông Sơn thông tin.
Trong khi đó, giám đốc một DN xuất khẩu gạo có trụ sở tại ĐBSCL đang tham gia thí điểm đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp cho hay công ty ông cũng đang dùng vốn tự có để đầu tư vùng nguyên liệu chứ không tiếp cận nguồn tín dụng xanh vì bản thân ông nhận thấy khái niệm này còn mơ hồ.
"Nông nghiệp trước giờ đã là lĩnh vực ưu tiên, lãi suất vay thấp hơn các ngành nghề khác nên cứ yên tâm mà vay. Trong khi vay ưu đãi thường hồ sơ thủ tục rất phức tạp và mất thời gian nên DN chọn vay thương mại cho đơn giản" - giám đốc DN gạo này thẳng thắn.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam, cho biết hiện nay các NH thương mại rất muốn cho vay tài trợ các dự án xanh. Thế nhưng, chủ dự án không đủ nguồn lực để tạo ra sản phẩm xanh và sạch. Bản thân các NH cũng chưa biết làm thế nào để đánh giá mức độ rủi ro khi triển khai cho vay. "Nên chăng Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ phù hợp dành cho các dự án phát triển sản phẩm sạch, giúp DN nâng cao năng lực tài chính, NH mới dám tài trợ vốn" - ông Hùng nói.
Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc NH Á Châu (ACB), nhìn nhận tín dụng xanh không đơn giản là cho vay rồi "gắn mác" vào mà phải tuân thủ những quy định, tiêu chuẩn và khung tín dụng xanh. Hiện NHNN chưa có khung tín dụng xanh cụ thể nên ACB phải nhờ tư vấn qua bên thứ 3 là Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tư vấn. "Mong Chính phủ và NHNN sớm thúc đẩy hành lang pháp lý rõ ràng hơn trong lĩnh vực này, để các tổ chức tín dụng thuận lợi hơn trong việc cấp tín dụng xanh" - ông Phát nói.
Quy mô tín dụng xanh khiêm tốn
Số liệu của NHNN cho thấy trong giai đoạn 2017-2023, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm. Đến ngày 31-3, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt gần 637.000 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Dù tăng trưởng 2 con số trong vài năm nay nhưng hiện tại quy mô tín dụng xanh chỉ chiếm 4,5% tổng dư nợ, là con số khiêm tốn so với nhu cầu vốn khoảng 20 tỉ USD/năm của nền kinh tế nhằm thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh. Nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra là do khuôn khổ pháp lý cho tín dụng xanh cũng chưa hoàn thiện, thiếu các quy định, tiêu chí môi trường, nhất là danh mục phân loại xanh ở cấp quốc gia...
Bình luận (0)