Sáng nay (11-4), Báo Người Lao Động phối hợp Hiệp hội Quảng cáo TP Hà Nội tổ chức tọa đàm "Phát huy hiệu quả quảng cáo ngoài trời". Tọa đàm có sự tham dự của đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; đại diện UBND TP Hà Nội; các hiệp hội quảng cáo và nhiều doanh nghiệp (DN).
Liên quan nhiều ngành, nhiều cấp
Tại TP Hà Nội, nhu cầu quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của các tổ chức, DN, cá nhân rất lớn. Thành phố hiện có hơn 800 DN đăng ký kinh doanh ngành nghề quảng cáo, trong đó 200 - 250 đơn vị hoạt động thường xuyên.
Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Hà Nội, cho biết qua thực tế kinh doanh, các DN quảng cáo nhận thấy còn nhiều vướng mắc. Luật Quảng cáo chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2013, tạo hành lang pháp lý quản lý hoạt động quảng cáo nhằm thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo; tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo trong khuôn khổ của pháp luật... Tuy nhiên, những hạn chế trong các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động quảng cáo còn bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo. Một số quy định trong Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn còn định tính, gây những cách hiểu khác nhau trong quá trình quản lý và việc thực hiện của các tổ chức, cá nhân.
Về phía DN, theo ông Vũ Đức Sơn, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Bizman, hiện Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) đang tạm dừng tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo bảng lớn ở cột trụ trên đường cao tốc, quốc lộ… gây nhiều khó khăn cho DN trong tìm kiếm khách hàng. Hiện nay UBND TP Hà Nội cũng chưa xem xét việc gia hạn màn hình LED nên DN không thể mời gọi đối tác và giải trình hồ sơ pháp lý với địa phương nơi lắp đặt màn hình LED…
Đại diện UBND TP Hà Nội cho biết quảng cáo là một trong những hoạt động quan trọng, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh, lưu thông hàng hóa; hoạt động quảng cáo là nhu cầu cần thiết và tồn tại trong đời sống xã hội với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Tuy nhiên, sự phát triển không ngừng của hoạt động quảng cáo cũng bộc lộ những bất cập. Tình hình hoạt động quảng cáo hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết.
Hoạt động quảng cáo còn lộn xộn, cạnh tranh thiếu lành mạnh, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội, bộ mặt văn minh đô thị của thủ đô. Các quy định pháp luật về hoạt động quảng cáo còn nhiều điểm mâu thuẫn, chồng chéo và có nhiều kẽ hở, gây khó khăn cho DN quảng cáo trong quá trình phát triển và khó khăn trong công tác quản lý của cơ quan chức năng.
"Hoạt động quảng cáo liên quan nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương, đơn vị; có rất nhiều văn bản pháp luật khác nhau cùng điều chỉnh đối với lĩnh vực quảng cáo như: Luật Quảng cáo, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Giao thông đường bộ, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Kiến trúc… Ngoài ra, ý thức chấp hành các quy định trong hoạt động quảng cáo của một số tổ chức, DN, cá nhân chưa tốt…" - đại diện UBND TP Hà Nội nêu.
Đưa quảng cáo vào nền nếp
Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở VH-TT TP Hà Nội, nhấn mạnh để hoạt động quảng cáo theo đúng quy định, góp phần tạo cảnh quan văn minh, hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội, Sở VH-TT sẽ chủ động phối hợp các sở - ngành, quận - huyện - thị xã, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành.
Sở VH-TT TP Hà Nội sẽ siết chặt công tác kiểm tra, hậu kiểm, giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo, bảo đảm công bằng, nghiêm minh; dần đưa hoạt động này đi vào nền nếp, ổn định. Công khai, minh bạch những hành vi vi phạm để DN quảng cáo nghiêm chỉnh thực hiện các quy định của pháp luật; tạo sân chơi bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các DN, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế, đóng góp cho thành phố. Thời gian qua, Sở VH-TT đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với các DN để lắng nghe nhằm hướng dẫn, gỡ khó cho DN. "Sở đã tham mưu cho thành phố ban hành Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội mới, thay thế quy chế cũ; rà soát, đánh giá từng vị trí quảng cáo và nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các vị trí quảng cáo mới bảo đảm đúng quy định, phù hợp quy hoạch và tình hình thực tế thành phố để xin ý kiến các chuyên gia, bộ, ngành liên quan về việc sửa đổi, bổ sung quy hoạch quảng cáo 1997/QĐ-UBND năm 2018 của thành phố…" - ông Hồng nói.
Theo đại diện UBND TP Hà Nội, thành phố sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích hoạt động quảng cáo phát triển; điều chỉnh các văn bản quản lý cho phù hợp với nội dung các văn bản mới ban hành và bắt kịp với sự phát triển của hoạt động quảng cáo. Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực trong lĩnh vực hoạt động quảng cáo, tạo điều kiện để hoạt động quảng cáo phát triển thành ngành công nghiệp mũi nhọn trong nền công nghiệp văn hóa thủ đô. Các cơ quan chức năng sẽ xác định mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp nâng cao chất lượng quản lý hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố; chấn chỉnh kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm giữ ổn định trật tự trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố.
Nhiều vi phạm
Những năm gần đây, Sở VH-TT TP Hà Nội và các quận - huyện đã kiểm tra, phát hiện và xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm trong hoạt động quảng cáo.
Thanh tra Sở VH-TT TP Hà Nội cho biết riêng năm 2023, đơn vị đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 38 trường hợp, tổng số tiền phạt 1,3 tỉ đồng, tháo dỡ tổng cộng 2.305 băng rôn vi phạm treo trên gốc cây, cột điện, cột điện chiếu sáng. Quý I/2024 đơn vị đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 10 trường hợp, tổng số tiền phạt 650 triệu đồng, tháo dỡ tổng cộng 375 băng rôn vi phạm treo trên gốc cây, cột điện, cột điện chiếu sáng.
Bình luận (0)