Chiều 8-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Tăng diện tích, thời lượng quảng cáo
Trình bày dự án luật, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết dự thảo luật đã hoàn thiện quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.
Theo đó, sửa đổi quy định về hoạt động quảng cáo trên báo in theo hướng diện tích quảng cáo trên báo in không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí; trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo và phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác.
Dự thảo luật cũng sửa đổi quy định về hoạt động quảng cáo trên báo nói, báo hình. Theo đó, tăng thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền; trong chương trình phim truyện; thể hiện sản phẩm quảng cáo kèm theo nội dung thông tin chính thức bằng hình thức chạy chữ hoặc một chuỗi hình ảnh chuyển động.
Dự thảo còn sửa đổi, bổ sung quy định về quảng cáo trên mạng. Trong đó có quy định về yêu cầu đối với hoạt động quảng cáo trên mạng; trách nhiệm của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo ở trong nước và ngoài nước. Bên cạnh đó, có quy định quy trình ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo trên mạng vi phạm: trách nhiệm phát hiện và xác định các quảng cáo vi phạm pháp luật; tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo phải thực hiện việc xử lý quảng cáo vi phạm theo yêu cầu.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quảng cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết về quảng cáo trên báo in, có 3 loại ý kiến. Thứ nhất là tán thành. Thứ hai, đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành vì việc tăng diện tích lên tới gần 1/2 tổng diện tích là quá lớn đối với một ấn phẩm báo chí, chưa thật sự hợp lý và phù hợp với chức năng của báo chí nước ta cũng như bảo đảm quyền lợi của độc giả. Thứ ba là nghiên cứu phương án lược bỏ quy định giới hạn về tỉ lệ diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí truyền thống và để cho cơ quan báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo theo nhu cầu của bạn đọc và sự điều tiết của thị trường.
Về vấn đề này, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục tán thành với quan điểm tăng diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí để giúp cơ quan báo chí tăng nguồn thu, thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của độc giả, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu điều chỉnh theo hướng quy định cụ thể về tỉ lệ diện tích, vị trí quảng cáo đối với từng loại hình ấn phẩm báo, tạp chí.
Đại biểu (ĐB) Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, nhận định các cơ quan báo chí ở cơ chế tự chủ tài chính, việc không tận dụng được nguồn lực từ quảng cáo đã gây khó khăn cho hoạt động. Quy định quảng cáo trên báo chí cần tạo điều kiện hơn nữa cho báo in vì nguồn thu từ quảng cáo với báo chí giảm nhiều.
Cùng quan điểm, ĐB Phạm Nam Tiến (đoàn Đắk Nông) cho biết Luật Quảng cáo năm 2012 quy định diện tích quảng cáo trên báo in không được vượt quá 15% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 20% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí; trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo. "Dự thảo luật sửa đổi tăng diện tích quảng cáo trên báo in không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí là phù hợp" - ĐB Tiến nhận định.
Xử lý nghiêm các trường hợp quảng cáo sai sự thật
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, ĐB Phan Thị Thanh Phương (đoàn TP HCM) đề nghị quy định rõ hơn trách nhiệm giữa các chủ thể liên quan trong hoạt động quảng cáo - đặc biệt là trách nhiệm của doanh nghiệp - về thông tin, chất lượng sản phẩm. Liên quan đến việc xử lý các hành vi quảng cáo sai sự thật, thổi phồng, sử dụng hình ảnh của người có ảnh hưởng trong hoạt động quảng cáo, bà Phương cho rằng mặc dù các quy định về xử phạt đối với các hành vi này đã được bổ sung vào dự thảo luật nhưng việc áp dụng các biện pháp này trong thực tế vẫn chưa nhiều và chưa đủ tính răn đe. "Nhiều trường hợp quảng cáo sai sự thật khi bị phát giác cũng chỉ lên tiếng xin lỗi là xong. Đề nghị quy định chế tài mạnh hơn để xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm để làm gương, tạo tác động răn đe" - ĐB Thanh Phương nhấn mạnh.
Theo ĐB Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh), các quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới và quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời đang bộc lộ nhiều bất cập. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, mỹ quan đô thị và an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Ông Tuấn dẫn chứng hiện nay quảng cáo trên các nền tảng số ngày càng phổ biến nhưng chưa có quy định rõ ràng và hiệu quả. Từ đó đã xuất hiện nhiều hình thức quảng cáo xuyên biên giới, quảng cáo qua livestream, video ngắn hay quảng cáo tự động.
"Cá biệt, nhiều người Trung Quốc quảng cáo bán hàng bằng tiếng Trung Quốc trên TikTok hay sàn giao dịch thương mại điện tử như Shein và Temu đã gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm soát chất lượng, bảo vệ người tiêu dùng và ngăn ngừa các hành vi quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm cho người dùng" - ĐB Tuấn dẫn chứng.
ĐB Trần Quốc Tuấn cũng lo ngại khi nhiều thực phẩm chức năng được quảng cáo là cải thiện sức khỏe toàn diện hoặc "công dụng thần kỳ" nhưng thực tế không có nghiên cứu khoa học nào chứng minh cho các lời khẳng định này. Từ đó, ông đề nghị Luật Quảng cáo sửa đổi cần có các quy định chặt chẽ hơn về việc kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo sai sự thật.
Ngày 9-11, QH thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự; thảo luận ở tổ về dự án Luật Nhà giáo, dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Rà soát, bổ sung hành vi bị cấm trong Luật Dữ liệu
Thảo luận về dự án Luật Dữ liệu, nhiều ĐBQH cho rằng tình trạng lộ, lọt dữ liệu, xâm phạm quyền riêng tư ngày càng tăng, cần có quy định bảo vệ quyền riêng tư cá nhân.
ĐB Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) khẳng định bản thân ông trong thời gian vừa qua nhiều lần bị gọi điện để lừa đảo, đe dọa. "Không hiểu vì sao họ lại có đầy đủ những thông tin cá nhân, số điện thoại, công việc, chức vụ của tôi để đe dọa rất nhiều lần, kể cả việc tôi thanh toán tiền điện, tiền nước qua ứng dụng cho gia đình ba mẹ tôi, họ cũng biết, gọi ra để đe dọa. Có thể dữ liệu đã bị lọt ra ngoài" - ông Sinh lo ngại.
Ông Sinh cho rằng dữ liệu rất quan trọng nên các loại tội phạm đều tìm mọi cách có được để thực hiện các hành vi gây nguy hiểm cho cá nhân, tổ chức và kể cả quốc gia. Do đó, về các hành vi bị nghiêm cấm trong dự án Luật Dữ liệu, ông đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát thật kỹ, nghiên cứu và bổ sung thêm, nhất là những hành vi có thể phát sinh trong tương lai.
Phát huy sức mạnh tổng hợp trong phòng chống ma túy
Chiều 8-11, thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy đến năm 2030, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định cho biết chương trình tập trung giải quyết, khắc phục những tồn tại, hạn chế và những vấn đề mang tính cấp bách trong công tác phòng chống ma túy. Cần đầu tư công của quốc gia trên các lĩnh vực giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy.
Theo Phó Chủ tịch QH, công tác phòng chống ma túy là rất quan trọng vì đây là nguồn gốc của nhiều tệ nạn và tội phạm nguy hiểm; đồng thời gây ảnh hưởng đến nòi giống, sự phát triển chung của đất nước. Ma túy hiện có rất nhiều chủng loại, dạng thức, trong đó có những loại rất mới, nguy hiểm, khó kiểm soát. Do đó, rất cần phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân nhằm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy.
Cơ bản tán thành với cách thức tiếp cận, nguồn vốn, các nhóm mục tiêu cụ thể... trong chương trình, ông Nguyễn Khắc Định cho rằng song song đó cần sớm rà soát những vướng mắc, bất cập, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật có liên quan để bảo đảm đồng bộ, thống nhất, giúp công tác phòng chống ma túy được nhất quán, thuận lợi.
Bình luận (0)