Ngày 17-4, phóng viên Báo Người Lao Động có mặt tại đoạn đường do Công ty CP Tập đoàn Thuận An (Tập đoàn Thuận An) trúng thầu thuộc đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột.
Công trình dang dở
Tập đoàn Thuận An là đơn vị mà Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an) đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk cung cấp tài liệu liên quan đến gói thầu họ thực hiện trên địa bàn. Chủ tịch HĐQT tập đoàn này, ông Nguyễn Duy Hưng, cùng nhiều đồng phạm vừa bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ".
Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột dài gần 40 km do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (Ban Quản lý dự án) làm chủ đầu tư.
Tổng mức đầu tư sau khi đội vốn hơn 1.800 tỉ đồng.
Tháng 8-2021, Ban Quản lý dự án đã ký hợp đồng xây lắp gói thầu số 3 cho liên danh 4 nhà thầu thi công xây dựng với tổng trị giá gói thầu trên 520 tỉ đồng. Trong đó, Tập đoàn Thuận An ký hợp đồng gói thầu trên 105 tỉ đồng, thi công 5,2 km.
Theo quan sát, đoạn đường dài 5,2 km không có bất kỳ hoạt động xây dựng nào đang diễn ra. Nơi đây ngoài khoảng 350 m một bên đoạn qua nút giao với đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột chưa được thảm nhựa, còn lại thì cơ bản hoàn thành thảm nhựa.
Lãnh đạo Công ty TNHH Hoài Ân (trụ sở Đắk Lắk) cho biết đơn vị đã ký kết với Tập đoàn Thuận An để thảm nhựa toàn bộ 5,2 km bề mặt đường. "Chúng tôi thảm nhựa thuê cho Tập đoàn Thuận An giá 20 tỉ đồng. Hiện còn khoảng 350 m một bên đường chưa thảm nhựa vì bên đó còn nợ 2 tỉ đồng. Tập đoàn Thuận An hứa sẽ chuyển trả tiền, khi có chúng tôi sẽ thảm nhựa hết" - người này thông tin.
Theo tìm hiểu, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Đông TP Buôn Ma Thuột chậm tiến độ, đội vốn do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và một số nhà thầu yếu năng lực.
Liên tiếp trúng gói thầu lớn
Liên quan đến Tập đoàn Thuận An, thành lập từ năm 2004 nhưng đến năm 2019 thì doanh nghiệp này nổi lên là một "ông lớn" trong lĩnh vực xây lắp khi liên tục trúng các gói thầu trị giá hàng ngàn tỉ đồng ở nhiều công trình giao thông trên cả nước.
Tại Bắc Giang, liên danh nhà thầu, trong đó có Tập đoàn Thuận An, trúng thầu gói thầu số 07 thi công xây dựng công trình thuộc Dự án xây dựng cầu Đồng Việt. Giá mời thầu của gói thầu là 1.132,735 tỉ đồng, giá trúng thầu 1.132,351 tỉ đồng.
Bị can Nguyễn Văn Thạo khi đó với vai trò là giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đã ký quyết định phê duyệt trúng thầu gói thầu số 7 này... Thanh tra Bộ Xây dựng từng phát hiện nhiều vi phạm tại dự án này.
Bên cạnh đó, trong vai trò là nhà thầu độc lập hoặc thành viên liên danh, Tập đoàn Thuận An cũng đang trong thời gian thi công hàng loạt gói thầu tại nhiều địa phương trên cả nước.
Trong đó, vào năm 2023, liên danh Tổng Công ty Xây dựng số 1 - Công ty CP Đầu tư xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương - Tập đoàn Thuận An đã trúng gói thầu số 11-XL thi công xây dựng công trình cầu Đại Ngãi 2, tuyến và các công trình trên tuyến có giá trúng thầu 1.727 tỉ đồng.
Liên danh Tập đoàn Thuận An - Công ty CP Xây lắp và Cơ khí Phương Nam - Công ty CP Xây dựng hạ tầng Bắc Trung Nam - Công ty CP Tập đoàn xây dựng 168 Việt Nam trúng gói thầu xây lắp số 02 thi công xây dựng đoạn Km22+000 - Km32+000 thuộc dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 với giá trúng 2.078 tỉ đồng.
Doanh nghiệp này cũng trúng gói thầu tại dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn I), đoạn qua tỉnh Hà Giang với giá trúng thầu là hơn 815 tỉ đồng. Ngoài ra, Tập đoàn Thuận An còn trúng nhiều gói thầu xây lắp ở các địa phương khác nhau trong giai đoạn 2019 - 2023.
Trong ngày 17-4, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết qua rà soát, các sở - ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh báo cáo không có dự án nào do các cơ quan ban ngành của tỉnh làm chủ đầu tư có liên quan đến Tập đoàn Thuận An. "Vai trò chủ đầu tư thì ở Quảng Nam không có, còn dự án do bộ làm chủ đầu tư thì phải hỏi bộ" - lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam thông tin.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty CP Phát triển xây dựng và Thương mại Thuận An (tiền thân của Tập đoàn Thuận An) cùng đơn vị liên danh từng trúng thầu 2 dự án do các đơn vị thuộc Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Đó là gói thầu XL17 dự án thành phần 2 - giai đoạn 2 thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình sửa chữa, gia cường các cầu trên quốc lộ bảo đảm đồng bộ tải trọng khai thác trên tuyến và gói thầu XD02 thuộc dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 14E.
Hình phạt trong mỗi tội danh
Liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An, ngoài Nguyễn Duy Hưng, C03 còn khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Khắc Mẫn, phó tổng giám đốc Tập đoàn Thuận An, cùng về 2 tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ".
Bị can Trần Anh Quang, tổng giám đốc tập đoàn, bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Đưa hối lộ"; C03 cũng khởi tố, bắt tạm giam 2 cán bộ của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang gồm Nguyễn Văn Thạo, giám đốc ban; Đàm Văn Cường, phó giám đốc ban, cùng về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và tội "Nhận hối lộ". Khởi tố, bắt tạm giam Hoàng Thế Du, trưởng phòng Ban Quản lý dự án tỉnh Bắc Giang, về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Tội "Vi phạm quy định trong đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Bộ Luật Hình sự 2015 cho thấy người nào phạm tội gây thiệt hại 1 tỉ đồng trở lên có thể bị phạt tù lên đến 20 năm. Đối với tội "Đưa hối lộ", người phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỉ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 đến 20 năm.
Trong khi đó, "Tội nhận hối lộ" quy định người phạm tội nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỉ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỉ đồng trở lên sẽ bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Bình luận (0)