Đêm 11-7, tại biên giới Vị Xuyên và TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang, một trận mưa to đã diễn ra. Chị Kim Thanh, chiến sĩ tuyên văn của Sư đoàn Bộ binh 356 (F356) năm xưa, nói: Dường như năm nào cũng vậy, trước ngày "giỗ trận" của sư đoàn, trời đều đổ mưa to. Có lẽ các anh linh thiêng, nghe thấy lời khấn nguyện của đồng đội.
Về đây đồng đội ơi
Bài hát "Về đây đồng đội ơi" do nhạc sĩ Trương Quý Hải - chiến sĩ tuyên văn của F356 năm xưa sáng tác. Lần đầu tiên tôi được nghe anh Hải hát là sáng 12-7-2016. Hôm ấy anh dậy rất sớm, chỉnh tề trong bộ quân phục, vai khoác đàn guitar, lên xe cùng các cựu binh F356 từ TP Hà Giang xuống Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên để thắp hương cho những đồng đội đã hy sinh trong chiến dịch MB-84 (chiến dịch chiếm lại các điểm cao bị chiếm đóng trái phép). Người cựu binh đứng giữa nghĩa trang, ôm đàn và hát. Những đồng đội của anh đứng quanh nghe, lặng người và rơi nước mắt.
"Về đây đồng đội ơi, người chiến sĩ sư đoàn/ Hà Giang đã ngưng chiến trận/ Về đây đồng đội ơi, những chiến hữu đơn vị bạn/ Đài hương 468 ta hội quân. Hãy về đồng đội ơi, còn nằm khe đá hay thung sâu/ Về đây có nhau, như nguyện ước chiến hào/ Được hòa cùng bầy trẻ thơ bên sông Lô hát yên bình/ Quân dân nồng ấm nghĩa tình...".
Bài hát "Về đây đồng đội ơi" được nhạc sĩ Trương Quý Hải viết chỉ trong một ngày sau khi đồng đội trong sư đoàn có ước nguyện lập cây hương ở cao điểm 468 trong dịp kỷ niệm 30 năm sau chiến dịch MB-84 để có chỗ "đi về" cho những liệt sĩ còn đang nằm lại chiến trường, chưa quy tập được về nghĩa trang liệt sĩ. Bài hát là tiếng gọi "hội quân" của những người còn sống với những đồng đội đã hy sinh.
Giữ lời nguyện ước với đồng đội, tháng 7 năm nay, hàng ngàn cựu chiến binh và thân nhân các anh hùng liệt sĩ của các đơn vị từng tham gia chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên, nhất là các cựu binh của F356, đã cùng nhau trở về vùng biên giới Vị Xuyên để gặp mặt, tri ân, ôn lại truyền thống hào hùng của đơn vị và tưởng nhớ các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc trong giai đoạn từ 1979-1989.
Trên Đài tưởng niệm các liệt sĩ Vị Xuyên ở Điểm cao 468 tại xã Thanh Thủy, những nhân chứng lịch sử đã xúc động kể cho người thân, du khách nghe về cuộc chiến đấu anh dũng, về những mất mát, hy sinh và tình quân dân thắm thiết giữa bộ đội và nhân dân Hà Giang.
Trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, mặt trận Vị Xuyên từ một địa bàn được xác định là thứ yếu, trở thành điểm nóng ác liệt. Trong gần chục năm, không khi nào nơi đây ngớt tiếng pháo, đạn, súng từ bên kia biên giới bắn sang. Nhiều trận chiến đấu diễn ra rất quyết liệt, các chiến sĩ giành giật, bảo vệ từng tấc đất để giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
Hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta đã anh dũng chiến đấu, hy sinh; hàng ngàn người bị thương, hàng ngàn ha ruộng vườn, đồi núi bị cày xới, nhiễm đầy bom mìn, vật nổ. Đến nay, nhiều liệt sĩ nằm rải rác trên khắp chiến trường chưa tìm được hài cốt, nhiều mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin.
Với riêng Chiến dịch MB-84, các đơn vị tham gia chiến đấu gồm: Trung đoàn 876 F356 tiến công trên hướng chủ yếu đánh cao điểm 772. Đại đội 1, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 149 F356 đánh cao điểm 685. Trung đoàn 174 F316 (Quân đoàn 29, Quân khu 2) tiến công đánh bình độ 400 và cao điểm 233. Trung đoàn 141 F312 (Quân đoàn 1) tiến công đánh cao điểm 1030 Minh Tân bên bờ Đông sông Lô. Ngày 12-7-1984 là ngày mở màn chiến dịch.
Chỉ trong ngày đầu chiến dịch, gần 600 cán bộ, chiến sĩ của F356 đã anh dũng hy sinh. Trung tá Đặng Việt Châu, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn, đã viết những vần thơ vào ngày 2-9-1984, khi đơn vị làm giỗ 50 ngày cho các đồng đội đã hy sinh tại mặt trận. "Những chiến sĩ con dân đất Việt/ Tuổi xuân đâu tiếc/ Lưng trần, cắp súng xung phong/ Đạn xé toác vai, đạn cày rách mặt/ Súng cầm tay rực lửa/ Xông pha giữ đất biên thùy...".
Cảm nhận nỗi đau, mất mát
Cựu chiến binh Trung đoàn 876 Hồ Viết Xuân không quản ngại đường xa, từ tỉnh Bình Phước ra Hà Giang để thắp hương cho đồng đội trong ngày "giỗ trận" sư đoàn.
Còn với cựu chiến binh Lê Thanh Tình, quê Nghệ An, chuyến về chiến trường xưa năm nay có thêm người bạn đồng hành là vợ ông - bà Lò Thị Miên. Bà Miên cho biết đây là lần đầu tiên đến Hà Giang, qua những câu chuyện kể của chồng trước đây, bà đã hình dung về một mặt trận Vị Xuyên ác liệt của 40 năm trước, nhưng trực tiếp đến và chứng kiến tình cảm của những người đồng chí, đồng đội của chồng ngày gặp lại, bà cảm nhận rõ hơn nỗi đau, mất mát, cực khổ mà các anh đã trải qua, càng hiểu và thương chồng mình nhiều hơn.
Ông Nguyễn Xuân Trung, Trưởng Ban Liên lạc cựu chiến binh F356 toàn quốc, cho biết 40 năm đã trôi qua, thời gian thật dài so với một đời người, cảnh vật và con người biết bao thay đổi, nhưng trong mỗi người lính, cuộc chiến vẫn còn như mới xảy ra. Các trận đánh trong chiến dịch MB-84 có 1.200 cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị tham gia chiến dịch đã hy sinh anh dũng và hàng trăm cán bộ, chiến sĩ bị thương.
Dưới thị xã Hà Giang năm ấy, các cơ quan, đoàn thể đón tiếp thương binh đưa vào cứu chữa trong các bệnh viện; tắm rửa, khâm liệm và chôn cất các liệt sĩ. "Nhiều bà mẹ Hà Giang đã thức trắng đêm lo cho các con mà nước mắt không còn để khóc. Tất cả chúng ta ở đây, chắc không ai có thể quên những ngày mất mát, đau thương ấy" - ông Trung nói.
Cựu binh Nguyễn Văn Kim là người con quê Yên Bái, nguyên là chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 876. Ông Kim cho biết năm nào cũng vậy, cứ gần đến ngày giỗ của sư đoàn ông không ngủ được. Ký ức 40 năm trước như một thước phim quay chậm cứ chập chờn hiện về. Bao gương mặt rất đỗi thân thương cứ ẩn hiện. Chỉ riêng đơn vị của ông là Trung đoàn 786 đã có trên 180 người ngã xuống trong trận đánh ngày 12-7. Đến nay, nhiều hài cốt đồng đội ông vẫn còn nằm rải rác ở các vị trí chiến đấu năm nào.
Biên cương đã ngừng chiến trận từ lâu, màu xanh cuộc sống đã hồi sinh trên vùng chiến địa ác liệt năm nào. Xã Thanh Thủy đạt đô thị loại V, hướng đến mục tiêu trở thành vùng trọng điểm phát triển kinh tế khu vực phía Bắc của huyện Vị Xuyên. Hạ tầng được đầu tư, nâng cấp, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 36 triệu đồng/năm.
Trung tâm thương mại Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy trở thành khu dịch vụ thương mại tổng hợp. Anh Nguyễn Tuấn Thọ, Bí thư Huyện đoàn Vị Xuyên, cho biết Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên giờ là "trang viên" ấm lòng người ở lại; là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, qua đó giúp các em hiểu sâu sắc lịch sử dân tộc, sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, trân quý hơn giá trị của hòa bình hôm nay.
Những ngày này, Vị Xuyên, Hà Giang lại rợp màu áo Bộ đội Cụ Hồ. Những người lính về nơi một thời trai trẻ họ đã đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu xương; nơi còn rất nhiều đồng đội của họ nằm lại và hóa đá, bám chặt đất biên cương như lời thề của Anh hùng Nguyễn Viết Ninh - người trung đội trưởng thuộc Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 876, đã khắc trên báng súng: "Sống bám đá, đánh giặc; chết hóa đá, bất tử" để cho Hà Giang nơi địa đầu Tổ quốc mãi mãi xanh tươi, cuộc sống của nhân dân các dân tộc Hà Giang ngày càng ấm no và hạnh phúc.
Tưởng nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ
Sáng 12-7, Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Giang tổ chức dâng hương, dâng hoa, kính cẩn tưởng nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ các anh hùng liệt sĩ trên Điểm cao 468 và làm lễ truy điệu, an táng 6 hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên với nghi thức trọng thể. Dự buổi lễ có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Cùng ngày, Đoàn công tác của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tặng 20 con bò trị giá 15 triệu đồng/con cho 20 gia đình cựu chiến binh và tặng 20 sổ tiết kiệm (5 triệu đồng/sổ) cho 20 cựu chiến binh và gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, ngày 10-7, các cựu chiến binh F356 tỉnh Yên Bái, nhóm Quốc Kỳ cùng gia đình, chính quyền địa phương và các nhà tài trợ đã kịp khánh thành và bàn giao ngôi nhà tình nghĩa rộng 70 m2 với tổng kinh phí 150 triệu đồng (gia đình và chính quyền địa phương đóng góp 50 triệu đồng) để tặng gia đình cựu chiến binh Nguyễn Văn Chiến, nguyên là chiến sĩ Trung đoàn 876, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hiện sinh sống ở xã Tuy Lộc, TP Yên Bái.
Bình luận (0)