Giữ lời ước hẹn với đồng đội, tháng 7, hàng ngàn cựu chiến binh và thân nhân các anh hùng liệt sĩ của các đơn vị từng tham gia chiến đấu tại Mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) đã cùng nhau trở về miền biên giới Vị Xuyên để gặp mặt, tri ân, ôn lại truyền thống hào hùng của đơn vị và tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc trong giai đoạn từ 1979 - 1989.
Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, Mặt trận Vị Xuyên từ một địa bàn được xác định là thứ yếu, trở thành một điểm nóng ác liệt.
Trong gần chục năm ròng, không khi nào biên giới Vị Xuyên ngớt tiếng pháo, đạn, súng từ bên kia biên giới bắn sang. Nhiều trận chiến đấu diễn ra rất quyết liệt, các chiến sĩ giành giật, bảo vệ từng tấc đất để giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
Với ý chí "Một tấc không đi, một ly không rời", quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, bảo vệ toàn vẹn biên cương của Tổ quốc. Thắng lợi rất oanh liệt nhưng tổn thất cũng rất to lớn.
Hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta đã anh dũng chiến đấu, hy sinh. Hàng ngàn người bị thương, hàng ngàn ha ruộng vườn, đồi núi bị cày xới, nhiễm đầy bom mìn, vật nổ. Đến nay, nhiều liệt sĩ nằm rải rác trên khắp chiến trường Vị Xuyên chưa tìm được hài cốt, nhiều mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin.
Với riêng Chiến dịch MB-84 (chiến dịch chiếm lại các điểm cao bị chiếm đóng trái phép), các đơn vị tham gia chiến đấu gồm: Trung đoàn 876 của Sư đoàn 356 tiến công trên hướng chủ yếu đánh cao điểm 772. Đại đội 1, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 149 F356 đánh cao điểm 685. Trung đoàn 174 F316 (Quân đoàn 29) tiến công đánh bình độ 400 và cao điểm 233. Trung đoàn 141 F312 (Quân đoàn 1) tiến công đánh cao điểm 1030 Minh Tân bên bờ đông sông Lô.
Ngày 12-7-1984 là ngày mở màn Chiến dịch.
Năm nay, kỉ niệm 40 năm ngày mở màn Chiến dịch MB-84, Ban liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn 356 đã tổ chức gặp mặt đồng đội tại chiến trường xưa. Gần 1.500 cựu chiến binh, thân nhân các anh hùng liệt sĩ đã về dự lễ gặp mặt.
Trên Điểm cao 468, những nhân chứng lịch sử đã xúc động kể cho người thân, du khách nghe về cuộc chiến đấu anh dũng, về những mất mát, hy sinh và tình quân dân thắm thiết giữa bộ đội và nhân dân Hà Giang.
Ngày 12-7-1984, chỉ trong một ngày đầu mở màn Chiến dịch, gần 600 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 356 đã anh dũng hy sinh.
Trung tá Đặng Việt Châu, nguyên phó chủ nhiệm chính trị Sư đoàn 356, đã viết những vần thơ vào ngày 2-9-1984, khi đơn vị làm giỗ 50 ngày cho các đồng đội đã hy sinh tại mặt trận. "Những chiến sĩ con dân đất Việt/ Tuổi xuân đâu tiếc/ Lưng trần, cắp súng xung phong/ Đạn xé toác vai, đạn cày rách mặt/ Súng cầm tay rực lửa/ Xông pha giữ đất biên thùy... "
40 năm trước, gần 1.000 con em các dân tộc tỉnh Yên Bái, tuổi đời mười tám, đôi mươi hăng hái lên đường nhập ngũ, chủ yếu bổ sung về Sư đoàn 356 đóng quân tại huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Sau 2 tháng huấn luyện, ngày 1-5-1984, Sư đoàn được điều động chi viện cho mặt trận Vị Xuyên, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. 5 năm chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên, các chiến sĩ Sư đoàn 356 tỉnh Yên Bái không tiếc thân mình, anh dũng chiến đấu. Đã có 81 cán bộ, chiến sĩ là con em tỉnh Yên Bái hy sinh nơi chiến trường.
Cựu binh Nguyễn Văn Kim là người con quê Yên Bái, là chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 876 cho biết chỉ riêng đơn vị của ông đã có trên 180 người ngã xuống trong trận đánh ngày 12-7-1984. "Đến nay nhiều hài cốt liệt sĩ thuộc Sư đoàn 356 vẫn còn nằm rải rác ở các vị trí chiến đấu năm nào. Dù đã rất cố gắng nhưng đồng đội vẫn không thể nào tìm và mang về hết thi hài của anh em" - ông nghẹn ngào.
Đã 40 năm đã trôi qua nhưng những cựu binh tham gia trận đánh ngày nào vẫn không thể nào quên các địa danh ác liệt ở mặt trận Vị Xuyên: "Ngã ba cửa tử", "thung lũng gọi hồn", "cối xay thịt"... Nhiều người lính còn rất trẻ, họ đã ngã xuống, tuổi xanh gửi lại Vị Xuyên cho đến tận bây giờ.
Những ngày ngay sau trận đánh, những chuyến đi tìm đồng đội đã để lại bao ký ức khó phai. Ông Nguyễn Văn Kim cho biết suốt một tuần liền, khi đêm xuống, những người lính Sư đoàn 356 đã lặng lẽ tìm thi thể đồng đội.
"Nước mưa và nước mắt của người lính đã hòa trộn trong những ngày tháng 7 dầm dề bên thung lũng Nậm Ngặt. "Mỗi tấc đất, ngọn cỏ vùng Thanh Thủy - Vị Xuyên đều thấm đẫm máu xương của bao cán bộ, chiến sĩ" - ông Kim bồi hồi xúc động.
Ông Nguyễn Xuân Trung, Trưởng Trưởng Ban liên lạc cựu chiến binh sư đoàn 356 toàn quốc, cho biết 40 năm đã trôi qua, thời gian thật là dài so với một đời người, cảnh vật và con người biết bao thay đổi nhưng trong mỗi chúng ta, cuộc chiến vẫn còn như là mới xảy ra thôi. "Cái ngày mà lửa cháy, máu đỏ trên khắp dải đất biên cương thuộc tỉnh Hà Tuyên, nay là Hà giang, nơi địa đầu Tổ quốc".
Các trận đánh trong chiến dịch MB-84, có 1.200 cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị tham gia chiến dịch đã hy sinh anh dũng và hàng trăm cán bộ, chiến sĩ khác bị thương. Riêng Sư đoàn 356 đã có gần 600 cán bộ chiến sĩ hy sinh ngay từ ngày đầu mở màn chiến dịch.
Đó là ngày 12-7-1984.
Dưới thị xã Hà Giang, các cơ quan, đoàn thể đón tiếp thương binh đưa vào cứu chữa trong các bệnh viện; tắm rửa, khâm liệm và chôn cất các liệt sĩ. Nhiều bà mẹ Hà Giang đã thức trắng đêm tắm rửa cho các con mà nước mắt không còn để mà khóc.
"Tất cả chúng ta ngồi đây chắc không ai có thể quên những ngày mất mát, đau thương ấy..." - Trưởng ban liên lạc Sư đoàn 356 toàn quốc ngậm ngùi.
Chiến tranh đã lùi xa. Đau thương, mất mát cũng dần đi vào dĩ vãng nhưng vẫn còn hàng trăm đồng đội của các ông vẫn nằm đó, hơn 40 năm vẫn bám đá giữ biên cương.
"Tuy vết thương đã lành da nhưng trong sâu thẳm của mỗi chúng ta, trong con tim mỗi người lính Sư đoàn 356 vẫn không thể nguôi ngoai. Hàng ngày chúng ta luôn ngóng tin xem hôm qua, hôm nay và hy vọng ngày mai đội quy tập đã tìm thấy bao nhiêu hài cốt liệt sĩ trên đó" - ông Trung chia sẻ.
Dòng sông Lô nhuốm đó máu các anh hùng liệt sĩ vẫn còn đó, không biết mưa lũ về có cuốn trôi hài cốt của đồng đội hay không. Dãy 772, 685, bình độ 300, 400... vẫn còn đây đang còn ôm bao nhiêu đồng đội chúng tôi vào lòng đất mẹ.
Còn bao nhiêu chiến sĩ, 40 năm vẫn bám đá giữ biên cương.
Sống bám đá, đánh giặc; chết hóa đá, bất tử
Những ngày này, Vị Xuyên, Hà Giang lại rợp màu áo lính cụ Hồ. Những người lính về nơi chôn giữ một thời trai trẻ, nơi họ đã đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu xương; nơi mà còn rất nhiều đồng đội của họ còn nằm lại và hóa đá, bám chặt đất biên cương như lời thề của anh hùng Nguyễn Viết Ninh "Sống bám đá, đánh giặc; chết hóa đá, bất tử" để cho Hà Giang nơi địa đầu Tổ quốc mãi mãi xanh tươi, cuộc sống của nhân dân các dân tộc Hà Giang ngày càng ấm no và hạnh phúc.
Bình luận (0)