Chúng tôi gặp Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy - nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2, Trưởng Ban Liên lạc Cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên - tại nhà riêng sau khi ban liên lạc tổ chức buổi ra mắt và gặp mặt đại biểu cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên lần thứ nhất tại Hà Nội. Ông đã nói nhiều điều, về những tâm nguyện của người lính đi qua cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc ở mặt trận Vị Xuyên.
4.000 quân, dân hy sinh anh dũng
“Dù ngày nay đất nước ta độc lập, thống nhất, xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng thế hệ đang ngồi ở đây và con cháu của chúng ta luôn hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực bành trướng phương Bắc vẫn là mối quan tâm hàng đầu đối với nền độc lập, chủ quyền biên giới quốc gia” - tướng Huy chia sẻ.
Vị tướng đã 84 tuổi, từng đi qua 3 cuộc chiến tranh, bảo rằng chúng ta không bao giờ quên những năm tháng tốt đẹp giữa hai nước. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn chỉ rõ từ sau 1949 đến nay, Trung Quốc đã nhiều lần đem quân xâm lược Việt Nam. Điểm lại một vài sự kiện: Năm 1974, đem quân đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tháng 2-1979, đưa hơn 60 vạn quân tấn công 6 tỉnh biên giới Việt Nam, có nơi vào sâu trong đất liền tới 50 km, phá và san bằng thị xã Lào Cai, Cao Bằng, một phần thị xã Lạng Sơn, nhiều làng mạc.
Đặc biệt, từ tháng 4-1984 đến tháng 5-1989, Trung Quốc lần lượt đưa hơn 50 vạn quân của 8 trên 10 đại quân khu tấn công toàn diện biên giới Hà Giang, tập trung là huyện Vị Xuyên, âm mưu vẽ lại đường biên giới tới phía Bắc suối Thanh Thủy. Thiếu tướng Huy đánh giá đây là một cuộc chiến tranh xâm lược, quy mô lớn nhất kể từ sau khi Việt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ năm 1975. Ác liệt nhất, có đợt chỉ trong 3 ngày, Trung Quốc đã bắn hơn 100.000 quả đạn đại bác vào khu vực Vị Xuyên. “Sau khi kết thúc cuộc chiến tranh này, ta đo có ngọn núi đá ở Vị Xuyên bị bạt đi hơn 3 m. Ác liệt đến mức anh em chúng ta gọi là lò vôi thế kỷ” - vị tướng già kể.
Trong cuộc chiến tại mặt trận Vị Xuyên, những trận đánh giành giữ đất diễn ra vô cùng quyết liệt trên các cao điểm: 1509, 1100, 772, 685, Đồi Đài, Cô Ích, Bốn Hầm, Minh Tân, Pa Hán… Ta tiêu diệt và làm bị thương hơn 1 vạn quân Trung Quốc xâm lược, buộc họ phải rút quân về bên kia biên giới. Đây là thắng lợi có giá trị về chiến lược.
Thắng lợi to lớn của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Vị Xuyên có sự đóng góp của các đơn vị chủ lực, địa phương, du kích, tham gia trực tiếp của các Sư đoàn 313, 314, 356, 312, 316 , 325, Sư đoàn 31, Sư đoàn 3, các trung đoàn của Quân khu 1, Quân khu Thủ đô, Đặc khu Quảng Ninh (nay thuộc Quân khu 3); các binh chủng của Bộ Quốc phòng và Quân khu 2 như: pháo binh, công binh, thông tin, hóa học, phòng không, quân báo… Các trung đoàn, tiểu đoàn, địa phương dân quân du kích của Hà Tuyên, Trung đoàn 754 của Sơn La.
“Thắng lợi rất anh hùng nhưng tổn thất của chúng ta cũng rất to lớn. Hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta đã anh dũng hy sinh, phần lớn họ trên dưới 20 tuổi - tuổi con cháu chúng ta ngày nay. Đến nay còn hơn 2.000 liệt sĩ nằm rải rác trên khắp chiến trường Vị Xuyên mà chúng ta chưa tìm được hài cốt; nhiều thương binh chưa được hưởng chính sách, nhiều mộ liệt sĩ chưa có tên trong nghĩa trang...” - vị tướng già bùi ngùi.
Còn nhiều khoảng lặng
Cuộc chiến đã lùi xa nhưng 32 năm qua, những người lính mặt trận Vị Xuyên chưa bao giờ thôi day dứt khi nghĩ về đồng đội, về sự hy sinh và cả những mất mát, đau thương.
Trong thâm tâm ai cũng tâm niệm còn nhiều điều chưa làm được cho xứng với tầm vóc cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc trên mặt trận này. Đó là chưa có một nghĩa trang mang tầm quốc gia, một tượng đài chiến thắng Vị Xuyên; chưa giải quyết hết tồn đọng của công tác chính sách thương binh liệt sĩ, tìm kiếm hài cốt chưa được quy tập, tìm và trả lại tên cho liệt sĩ, dò phá bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại.
Một trăn trở khác mà theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy là trong giáo dục truyền thống, kỷ niệm những ngày lễ, chiến thắng hằng năm vẫn có những khoảng lặng, lãng quên, chưa nhắc đến sự hy sinh to lớn, chiến thắng oanh liệt của chiến thắng bảo vệ biên giới Vị Xuyên đúng với tầm vóc cuộc chiến.
Hiện nay, cán bộ chiến sĩ trực tiếp chiến đấu tại Hà Giang đã lập ra các ban liên lạc. Nhiệm vụ của ban liên lạc là tập hợp tất cả các ban liên lạc mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang thành một đầu mối hoạt động có hiệu quả; củng cố tình đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống đời thường.
Ban liên lạc sẽ cùng với Đảng, chính quyền địa phương giải quyết tồn đọng trong chính sách, tìm hài cốt và trả lại tên cho các liệt sĩ chưa có tên trong nghĩa trang; tuyên truyền giáo dục trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về cuộc chiến tranh biên giới Hà Giang, quyết tâm bảo vệ biên giới, lãnh thổ Việt Nam. Bên cạnh đó, tổ chức đội rà phá bom mìn, vật liệu nổ trong chiến tranh để giải phóng đất đai, đồng thời tổ chức đội tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ.
Các đơn vị trực tiếp chiến đấu ở Hà Giang cũng sẽ biên soạn lịch sử cho xứng tầm cuộc chiến tranh này. Thiếu tướng Huy bày tỏ mong muốn các bảo tàng lịch sử cần trưng bày những hiện vật chiến tranh để giáo dục con cháu sau này không quên sự hy sinh xương máu cha ông; cùng với đó là xây dựng khu tưởng niệm, tượng đài chiến thắng, quy hoạch lại nghĩa trang Vị Xuyên cho xứng tầm.
“5 năm, 10 năm, tới đây là 30 năm, nhà nước cần tổ chức lễ tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang với nghi lễ cấp quốc gia” - vị tướng già bày tỏ tâm nguyện.
Bức tâm thư gửi cán bộ, chiến sĩ Trường Sa
Nhân buổi gặp đại biểu lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội ngày 14-7 vừa qua, Ban Liên lạc Cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) đã có bức tâm thư gửi cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc ở Trường Sa. Thư do Trung tướng Lê Văn Hân, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, thay mặt ban liên lạc đọc, sau đó trao tận tay cho đại diện Quân chủng Hải quân. Bức thư có đoạn:
“Cách đây hơn 30 năm, trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, một cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ, ác liệt diễn ra 10 năm trời - từ năm 1979 đến 1989. Quân dân ta đã kiên cường chiến đấu, đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Việt Nam của Trung Quốc, bảo vệ toàn vẹn biên cương Tổ quốc Việt Nam.
Ngày nay, vùng đất chiến trường khói lửa năm xưa đang được hồi sinh và phát triển. Hôm nay, chúng tôi gặp mặt để cùng nhau ôn lại những ngày chiến đấu gian khổ, ác liệt; những chiến thắng hào hùng, đồng thời kiểm lại những việc làm được, chưa làm được trong các hoạt động nghĩa tình đồng đội và tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên mặt trận Vị Xuyên năm xưa.
Chúng tôi rất thấu hiểu các đồng chí đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa. Ở nơi đó, giữa mênh mông trùng khơi sóng nước; những đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn với cuộc sống đầy khó khăn, vất vả, thiếu thốn so với đất liền. Nhưng đã có những tinh thần thép của các đồng chí, cả nước tin tưởng vào tinh thần lạc quan, ý chí quyết tâm của các đồng chí cùng nhân dân ngày đêm canh giữ biển đảo, sẵn sàng hy sinh vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Chúng tôi - những người lính bảo vệ biên giới, đất liền luôn sát cánh cùng các đồng chí, quyết tâm bảo vệ vững chắc biên giới, lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Chúng tôi rất mong có một ngày được ra thăm, được tri ân các đồng đội đang canh giữ Trường Sa - vùng biển đảo máu thịt của Tổ quốc thân yêu”.
Bình luận (0)