ESG là một thuật ngữ tiếng Anh viết tắt của 3 từ Environmental - Social - Governance, là bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp trong quá trình vận hành doanh nghiệp.

Vai trò của ESG trong việc thúc đẩy các sáng kiến, hoạt động của kinh tế tuần hoàn ngày càng trở nên quan trọng. Nguồn: NAAN Group
Vai trò của ESG trong việc thúc đẩy các sáng kiến, hoạt động của kinh tế tuần hoàn ngày càng trở nên quan trọng. Khi ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn kết hợp với thực hành ESG, các doanh nghiệp sẽ phát huy tính chủ động và sẵn sàng dẫn đầu quá trình chuyển đổi, hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Thế giới "theo trend"
Thời gian qua, các quốc gia trên thế giới đã "bắt sóng", "theo trend" kinh tế tuần hoàn, kết nối với việc tuân thủ ESG bằng cách cụ thể hóa chiến lược về phát triển bền vững.
Liên minh châu Âu (EU) là một trong những "đầu tàu" trong vấn đề này. Khối đã ban hành hàng loạt đạo luật và chỉ thị nhằm thúc đẩy giới doanh nghiệp hướng tới kinh tế tuần hoàn, tuân thủ ESG và tính bền vững. Đơn cử như trong Luật Kế toán Bền vững của Doanh nghiệp yêu cầu các doanh nghiệp phải có báo cáo chi tiết về ESG hay Luật Phân loại bền vững đã định nghĩa các hoạt động bền vững, giúp thúc đẩy đầu tư xanh.

Các quốc gia trên thế giới đã "bắt sóng", "theo trend" kinh tế tuần hoàn, kết nối với việc tuân thủ ESG. Nguồn: Arch Daily
Tại Singapore, các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán bắt buộc phải công bố báo cáo phát triển bền vững. Đất nước cũng đang xem xét mở rộng quy định này sang các doanh nghiệp không niêm yết trên sàn chứng khoán.
Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Singapore chú trọng chính sách ESG khi lựa chọn văn phòng làm việc. Tại đất nước này, có hơn 90% không gian văn phòng hạng A đã được chứng nhận xanh. Đa số doanh nghiệp cũng sẵn sàng chấp nhận giá thuê cao hơn từ 5-10% ở các văn phòng xanh, theo trang Business Times.

Một không gian xanh bên trong tòa nhà tòa Asia Square Tower 2 ở Singapore. Nguồn: dentoncorkermarshall
Còn tại Trung Quốc, để theo đuổi một tương lai bền vững hơn, đất nước tỉ dân đã có những bước tiến đáng kể khi thực hiện các sáng kiến kinh tế tuần hoàn. Đất nước này đã định hướng riêng cho từng vùng, tích hợp các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn vào quy hoạch sử dụng đất.
Thêm vào đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo tác động của doanh nghiệp đến môi trường và xã hội. Việc tuân thủ và thực hiện hiệu quả các nguyên tắc ESG có thể giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Xu thế không thể đảo ngược
Theo số liệu từ báo cáo của Bloomberg Intelligence, thực hành ESG đang ngày càng trở thành chiến lược chủ đạo, thậm chí là bắt buộc ở một số quốc gia. Dự báo, dòng tài sản có tích hợp các yếu tố ESG toàn cầu có thể đạt 50.000 tỉ USD vào năm nay.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết việc áp dụng ESG, phát triển kinh tế tuần hoàn là xu thế không thể đảo ngược.

Việc áp dụng ESG, phát triển kinh tế tuần hoàn là xu thế không thể đảo ngược. Nguồn: Đảng Cộng Sản
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Phương Nam - Tổng giám đốc, Công ty Tư vấn & Dịch vụ Đổi mới khí hậu KLINOVA, Đánh giá viên quốc tế của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) - cho rằng, việc thực hành ESG và đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn là lợi thế của các doanh nghiệp hiện nay.
Nói rõ hơn về kinh tế tuần hoàn, TS Nguyễn Phương Nam cho rằng, đây là vấn đề rất quan trọng cho doanh nghiệp, không chỉ là để bảo vệ môi trường mà còn giúp hiệu quả về mặt kinh tế.
Vị TS này dẫn chứng với một doanh nghiệp sản xuất xanh, nếu các nguyên liệu được doanh nghiệp trực tiếp tạo ra thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí.
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, tập trung vào lĩnh vực điện rác. Công nghệ điện rác có ưu điểm nổi bật là giảm được 90-95% thể tích và khối lượng chất thải; có thể tận dụng nhiệt; giảm phát thải khí nhà kính so với biện pháp chôn lấp; giảm thiểu ô nhiễm nước, không khí...

Nhà máy Điện rác Nam Sơn là nhà máy điện rác lớn nhất nước. Ảnh: Hữu Hưng
Nhà máy Điện rác Nam Sơn do Công ty cổ phần Năng lượng Thiên Ý (Công ty Thiên Ý) làm chủ đầu tư là một ví dụ. Nhà máy này được xây dựng trên diện tích 17,5 ha, vốn đầu tư 7.000 tỉ đồng thuộc Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Quy trình xử lý rác của nhà máy này được thực hiện khép kín và an toàn từ các bước tiếp nhận rác, lưu trữ trong bể chứa rác để đảo trộn, làm khô rác trước khi đưa vào lò đốt, nhiệt lượng thu được khi đốt rác được dùng để phát điện, sau đó truyền tải lên hệ thống điện quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trong khi đó, Nhà máy Sản xuất gạch không nung tại thị xã Đông Triều, Quảng Ninh đã cung cấp cho thị trường gần 10 loại sản phẩm không nung các loại, với sản lượng hơn 60 triệu viên gạch quy chuẩn/năm. Việc sử dụng công nghệ này đã giúp tiết kiệm hơn 200.000 mét khối đất sét và hàng chục ngàn tấn than. Điều này giúp giảm thiểu nỗi lo ô nhiễm môi trường, thu lợi ích lớn.
Đó chỉ là hai trong nhiều doanh nghiệp tiên phong việc đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn, thực hành ESG tại Việt Nam. Cùng với xu hướng chung của thế giới, tin tưởng rằng, trong lương lai, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục "bắt trend", cùng thế giới bước tiếp trên hành trình phát triển kinh tế tuần hoàn.
Bình luận (0)