Một nghiên cứu di truyền được công bố năm ngoái tiết lộ toàn bộ nhân loại đã trải qua một đại thảm họa khiến 98,7% dân số biến mất. Thế nhưng, gần 1.300 người còn lại đã bắt đầu một thế giới mới theo cách không ngờ, theo một nghiên cứu khác vừa được công bố.
Theo Science Alert, sự kiện con người suýt tuyệt chủng xảy ra vào 900.000 năm trước, tức khoảng 600.000 năm trước khi loài Homo sapiens chúng ta ra đời.
Tại "nút thắt" dân số tàn khốc đó, chỉ còn chưa đầy 1.300 cá thể người tồn tại trên thế giới. Họ là loài tổ tiên của loài chúng ta và có thể cả một số loài người khác đã tuyệt chủng.
Nếu như nghiên cứu năm ngoái kể lại thảm họa "tận thế" đó thông qua DNA của hơn 3.000 người hiện đại, thì nghiên cứu mới do các nhà địa chất học từ Đại học Milan (Ý) và Đại học Columbia (Mỹ) thực hiện đã giải thích được cách 1.300 con người còn lại tiếp tục sinh tồn.
Họ tìm thấy bằng chứng về một cuộc di cư khỏi châu Phi diễn ra cùng thời điểm, theo bài công bố trên tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences.
Với bằng chứng ít ỏi là một số mẩu xương, công cụ đá và dữ liệu địa chất, các nhà khoa học phát hiện những con người còn sót lại này đã đối diện với một châu Phi và cả một dải đất rộng lớn ở Tây Á ngày nay khô cạn, lạnh lẽo, thiếu thức ăn.
Nhưng cũng sự khô cạn này - kéo theo mực nước biển giảm - đã làm lộ ra những "cây cầu đất", giúp họ có thể di chuyển bằng đường bộ từ châu Phi đến tận thảo nguyên Á - Âu, có lúc di chuyển bằng các phương tiện trượt tuyết thô sơ.
Như vậy, sự di cư hàng loạt để tránh tuyệt chủng ở một châu Phi đang hoang mạc hóa cũng đồng thời đem đến cho loài người một cơ hội lan rộng quần thể, để từ đó sinh sôi mạnh mẽ một lần nữa.
Các phương tiện để trốn thoát khỏi châu Phi và các thứ khác mà họ đã nghĩ ra để phục vụ cho cho cuộc di cư cũng như các điều kiện sống mới cũng góp phần giúp những vị tổ tiên này tiến xa thêm trên nấc thang tiến hóa, có thể rất quan trọng đối với sự ra đời của loài chúng ta.
Bình luận (0)