Sau khi ra đời, Công ty Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) bắt đầu quá trình “vá” lại những lỗ hổng tồn tại lâu nay của bóng đá Việt Nam. VPF đã đưa trọng tài, cầu thủ và cả các vị giám sát vào trong tầm kiểm soát để giám sát các hoạt động của họ. Vậy cơ quan nào có đủ thẩm quyền để giám sát lại những hoạt động của VPF khi công ty này không làm tròn trọng trách?
Quyền của Ban Kỷ luật VFF
Những vấn đề lớn hơn phát sinh trong quá trình diễn ra giải đấu chưa có tiền lệ sẽ thuộc thẩm quyền của Ban Kỷ luật VFF. Các hoạt động của Tiểu ban Kỷ luật VPF sẽ được giám sát chặt chẽ bởi Ban Kỷ luật VFF. “Vụ việc nào thuộc chức năng, thẩm quyền của tiểu ban thì tiểu ban sẽ xử lý. Nếu không, tiểu ban sẽ gửi hồ sơ sang ban kỷ luật”- ông Viễn nói.
Sự ra đời của Ban Đạo đức cũng rất được trông đợi nhưng theo ông Viễn, đây là vấn đề sẽ được Ban Chấp hành VFF bàn bạc. Quy định quyền hạn và chức năng của Ban Đạo đức cũng sẽ được ghi rất cụ thể trong điều lệ VFF. Không chỉ có quyền xem xét trách nhiệm và tư cách của các thành viên chủ chốt VPF, Ban Đạo đức thậm chí còn có thể “đụng” đến cả các lãnh đạo VFF. Ông Viễn đánh giá: “VFF có đủ công cụ để giám sát các hoạt động của VPF. Hơn nữa, chính VPF cũng sẽ học cách nhìn nhận cả bộ máy cũng như vai trò từng cá nhân”.
Tự giám sát và thuê người giám sát mình
Trong ngày ra mắt, ban lãnh đạo VPF nói rằng minh bạch về tài chính cũng như quản lý điều hành là yêu cầu bắt buộc với công ty này. Ông Phạm Ngọc Viễn nói: “Tất nhiên, VPF phải có cơ chế giám sát rất chặt chẽ. Chúng tôi phải tự giám sát mình và thuê tổ chức bên ngoài giám sát nhằm bảo đảm tính minh bạch”. Ban Kiểm soát do ông Lê Tiến Anh, Chủ tịch Khatoco Khánh Hòa, đứng đầu được cho là “kênh” giúp VPF tự giám sát chính mình. Trong khi đó, Phó Chủ tịch VPF Lê Hùng Dũng tiết lộ: “Sẽ thuê một trong những công ty kiểm toán có uy tín hàng đầu thế giới đang hoạt động ở Việt Nam nhằm minh bạch hóa tài chính cho công ty”.
Việc bầu Nguyễn Đức Kiên và một số ông bầu khác quyết tâm ngồi vào bộ máy lãnh đạo VPF là một thử thách với họ. Theo ông Viễn, ở các nền bóng đá như Nhật Bản, Hàn Quốc, lãnh đạo công ty quản lý giải vô địch quốc gia không có người từ CLB.
Sáng nay (22-12), VPF lần đầu tiên chủ trì lễ công bố nhà tài trợ Giải Vô địch quốc gia. Giải sẽ chính thức mang tên Giải Ngoại hạng (tên giao dịch tiếng Anh là Super League thay vì V-League như trước đây). |
Bình luận (0)