Thời mà giới cầu thủ Việt và “cò” thay nhau lũng đoạn thị trường chuyển nhượng cầu thủ trong nước sắp trở thành dĩ vãng khi VPF ra đời. Với tiêu chí chuyển nhượng minh bạch, tránh tình trạng làm giá, hét giá ảo, các ông bầu lãnh đạo VPF đang giúp thị trường chuyển nhượng dần đi vào đúng quỹ đạo chuyên nghiệp.
V-League hết loạn giá
Nếu so với hai mùa V-League 2010 và 2011, giá trị chuyển nhượng của giới cầu thủ nội ở V-League 2012 đã được điều tiết rất rõ nét. Trừ trường hợp thủ môn Tấn Trường đến Sài Gòn Xuân Thành với giá 9,5 tỉ đồng hồi tháng 10 vừa qua (trong đó có đến 9 tỉ đồng là tiền đền bù cho CLB CS.Đồng Tháp, Tấn Trường chỉ hưởng 500 triệu đồng), các vụ chuyển nhượng cầu thủ nội còn lại đều không vượt hơn con số 8 tỉ.
Ngay cả tiền đạo Công Vinh thời điểm trước khi chia tay Hà Nội T&T từng được định giá 1 triệu USD nhưng khi đến với CLB Bóng đá Hà Nội của bầu Kiên, chân sút xứ Nghệ cũng chỉ nhận được 1/3 khoản tiền mà giới “cò” từng định giá cho Công Vinh.
Sau thương vụ “hụt” với Sài Gòn FC, hậu vệ Quang Thanh (trái) ra sân trong trận
B.Bình Dương thua Lâm Đồng ở Cúp Quốc gia trên sân nhà. Ảnh: QUANG LIÊM
Mới nhất là trường hợp bể hợp đồng trị giá 12 tỉ đồng của hậu vệ Quang Thanh với Sài Gòn FC. Tưởng như Quang Thanh sẽ lập kỷ lục mới về giá chuyển nhượng cho một hậu vệ nội (Phước Tứ từng được định giá 10 tỉ đồng) nhưng đúng vào ngày ông chủ tịch Sài Gòn FC Lưu Quang Lãm nhậm chức Phó Giám đốc VPF, ông lập tức hủy hợp đồng chuyển nhượng.
Lý do phía Sài Gòn FC đưa ra là khoản tiền chuyển nhượng quá lớn nên HĐQT công ty không đồng ý thông qua. Do ngày 16-12 là hết hạn đăng ký danh sách cầu thủ nội dự V-League nên Quang Thanh đành phải ở lại B.Bình Dương. Nhiều người trách bầu Lãm tung “chiêu độc” với Quang Thanh nhưng thực tế, đó cũng là một hành động làm gương cho các ông bầu khác trong việc xóa bỏ tình trạng cầu thủ làm loạn giá chuyển nhượng.
Hiệu ứng tích cực
Giới cầu thủ thừa nhận những ai nhanh tay ký được hợp đồng tiền tỉ trước khi VPF ra đời quả thực rất may mắn. Việc các ông bầu ngồi lại thống nhất chuyện minh bạch chuyển nhượng, hạn chế tiền lót tay vượt xa giá trị thực, đồng thời đưa ra khung thưởng thắng trận tối đa là 500 triệu đồng/trận khiến thu nhập của giới cầu thủ bị ảnh hưởng lớn.
Ngay cả những nhà môi giới không có giấy phép hành nghề của FIFA cũng khó có đất làm ăn nếu bị VPF phát hiện cố tình làm “chui”. Điều này sẽ hạn chế chuyện đi đêm giữa cầu thủ, “cò” và các CLB không chuyển nhượng minh bạch.
Không phải khi nào VPF cũng đúng tuyệt đối, còn nhiều đội bóng vẫn dựa vào cái cớ phải hạn chế tiền lót tay hoặc lợi dụng thời hạn chốt danh sách để ép giá những cầu thủ cần tiền, cần việc. Tuy nhiên, với hiệu ứng tích cực nhất là chuyện điều tiết lại thị trường, trả lại giá trị thực cho hệ thống chuyển nhượng một thời loạn giá của bóng đá Việt Nam, VPF rõ ràng đang đi đúng hướng.
V.Ninh Bình cho Như Thành cơ hội cuối
Sau khi đổ vỡ hợp đồng với CLB Hà Nội của bầu Kiên vào phút chót, Như Thành đã xin trở lại CLB cũ V. Ninh Bình và bước đầu được tiếp nhận. Tuy nhiên, theo lãnh đạo đội bóng cũng như HLV Nguyễn Văn Sỹ, V. Ninh Bình để Như Thành trở lại không phải vì đang gặp khó khăn về lực lượng mà vì lúc này Như Thành thật sự muốn cống hiến, cũng như xét sự đóng góp của anh trước đây cho CLB.
Trước đó, sau gần một tháng tập luyện và thi đấu trong màu áo CLB Hà Nội, đến thời điểm quyết định ký hợp đồng thì Như Thành đưa ra một số yêu cầu về mức lương, thưởng mà bầu Kiên cho là không hợp lý. Dù đã rút lại những yêu cầu trên nhưng Như Thành vẫn phải rời khỏi CLB Hà Nội do bầu Kiên đã mất niềm tin.
M.Duy |
Bình luận (0)