Ông Nguyễn Văn Tới và bà Võ Thị Bấy có 6 người con, đều an cư tại ấp Ba Cao, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Ông Nguyễn Văn Tác là người con út của ông Tới, kết hôn với bà Nguyễn Thị Ánh Hồng và sống chung với ông bà Tới. Nhà có 13.000 m2 đất vườn, trồng cam, nhãn đủ sống.
Bật mí tên Ánh Viên
Năm 1996, cô con gái đầu lòng của ông Tác và bà Hồng chào đời. Mới đầu, cả hai đặt tên cho con là "Ánh Duyên", đúng chất miền Tây Nam Bộ. Nhưng khi ra đăng ký khai sinh cho con gái, cán bộ xã nghe nhầm giọng Nam Bộ, "Duyên" thành "Dzuyên", rồi ra "Dziên" và cuối cùng ghi "Viên" trong giấy khai sinh. Cái tên "Viên" thật ra không có manh mối nào trong ý định đặt tên con của cả cha lẫn mẹ. Sửa làm sao? Đành giữ cái tên Ánh Viên.
Nguyễn Thị Ánh Viên cất tiếng khóc chào đời ngày 9-11-1996 tại ấp Ba Cao - ấp có 3 cây cau lớn nổi tiếng. Ấp này cũng giống như những vùng đất khác của miền Tây, sông ngòi, kênh rạch nhiều, Hầu hết đứa trẻ nào lớn lên ở vùng đất này cũng thích đi bắt ốc, đặt lờ cá, tắm sông… Việc dạy cho con trẻ "biết lội" (bơi) là một trong những việc người lớn trong gia đình phải làm.
Ánh Viên và em trai Quang Thuấn, một trong 2 gương mặt bơi lội triển vọng của
Trung tâm TDTT Quốc phòng 4. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Bé Ánh Viên lên 5 tuổi, được ông nội mang ra dạy "lội" ở con lạch trước nhà. Những cái đập tay bì bõm đầu tiên của một kình ngư 14 năm sau bắt đầu trên con lạch đục ngầu vô danh thuở ấy. Ông nội Ánh Viên cao 1,72 m, cha Ánh Viên cao 1,76 m, cô theo gien nhà nội, mới tí tuổi chân tay đã dài ngoằn nhưng khá nhút nhát.
Được bạn đăng ký
Năm 2007, Ánh Viên học lớp 5, Trường Tiểu học Long Tuyền 1 tổ chức cho học sinh thi bơi lội. Hội thi chọn một khúc sông Cái Răng gần trường làm đường bơi, em nào bơi sang bờ bên kia rồi bơi trở lại nhanh nhất thì đoạt giải. Đến ngày thi, Ánh Viên mới biết mình phải đi thi. Thì ra cô bạn ngồi cùng bàn tinh nghịch đăng ký cho Ánh Viên từ trước. Đi thi bất đắc dĩ nhưng cuộc thi đó đã trở thành một bước ngoặt định mệnh trong đời cô. Từ đây, bơi không còn là vui thú trẻ con đối với Ánh Viên nữa. Bơi trở thành sự nghiệp mà cô bé 11 tuổi sẽ theo đuổi cật lực trong suốt gần 10 năm sau.
Ánh Viên được giải nhất trường trong hội thi này, rồi sau đó được đề cử đi thi Hội khỏe Phù Đổng cấp thành phố, được giải nhì, xếp sau bạn học Tuyết Mai. Trước khi đi thi giải thành phố, Ánh Viên mới được thầy Thành, giáo viên thể chất ở Trường Tiểu học Long Tuyền 1, dạy một chút về kỹ thuật thở. Đây là lần đầu tiên Ánh Viên được chỉ dạy điều gì đó về kỹ thuật bơi lội và cũng là lần đầu tiên biết đến hồ bơi.
Thắng giải nhì bơi thành phố, gia đình cô nhóc đứng trước 2 lựa chọn: vào đội năng khiếu Sở TDTT Cần Thơ hay về Trung tâm TDTT Quốc phòng 4 trực thuộc Quân khu 9 lúc đó vừa thành lập bộ môn bơi lội. Khi đó, Ánh Viên mới chỉ biết kiểu "bơi chó" nhưng các nhà tuyển trạch đã nhìn thấy tiềm năng ở cô bé này: sải tay dài, độ dẻo tốt, độ nổi ổn định, bơi không lắc.
Thầy Thành hướng gia đình đưa Viên vào "Quốc phòng 4", gia đình cũng ưng quân đội, thế là vào. "Lúc đầu đâu biết chỗ nào tốt hơn chỗ nào đâu, thấy bên quân đội gần nhà hơn, điều kiện ăn ở cũng tốt thì cho cháu theo học" - ông Tác nhớ lại.
Ông Tác cũng tính đường xa, cho con gái đi tập bơi và cho nội trú tại trung tâm đến lên cấp III đi học cho tiện. Từ ấp Ba Cao ra đến trường cấp III gần nhà nhất khi ấy cũng phải đến 20 km. Lúc đó đường vào ấp còn là đường đất, nhỏ đến mức 2 xe máy tránh nhau còn khó. Mãi đến năm 2015, ấp Ba Cao mới có đường đúc bê-tông rộng 3 m như bây giờ.
11 tuổi, Ánh Viên bắt đầu cuộc sống xa nhà. Tuy không xa lắm, từ huyện Phong Điền đến quận Ninh Kiều chỉ khoảng 10 km, nhưng xa gia đình, nên lúc đầu, tối nào Viên cũng khóc. Tuần nào cô nhóc cũng ngóng đến chiều thứ bảy để được cha đón về nhà.
Ngã rẽ cuộc đời
Lứa bơi đầu tiên của "Quốc phòng 4" tuyển được 5 em, trong đó có Ánh Viên và Tuyết Mai. "Mai bao giờ cũng bơi hơn em" - Ánh Viên nhớ lại. Tuyết Mai tranh tài một số giải trẻ quốc gia, sau mổ ruột thừa, thành tích hơi xuống, các thầy bên trung tâm động viên tiếp tục nhưng Tuyết Mai quyết định nghỉ tập, về phụ giúp gia đình buôn bán.
Khi Ánh Viên trở thành biểu tượng mới trong bộ môn bơi lội Việt Nam năm 2015 thì Tuyết Mai lên xe hoa về nhà chồng…
Đến giờ Ánh Viên vẫn là quân của Trung tâm TDTT Quốc phòng 4. Tháng 8-2013, Ánh Viên chính thức vào quân ngũ, được Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Thủy lúc đó là Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 9, trao quân hàm thượng úy. Một năm sau, Ánh Viên được đặc cách thăng hàm tiếp, trở thành đại úy trẻ nhất trong Quân đội Việt Nam, ở tuổi 18. Với quân hàm này, mỗi tháng Ánh Viên có lương và phụ cấp tiền ăn. Số tiền này Ánh Viên chuyển về gia đình trong những ngày cô đi tập huấn, thi đấu, không sinh hoạt tại trung tâm.
Cậu em theo chân chị
Trong 19 vận động viên trẻ đội tuyển quốc gia đang tập ở Cần Thơ, Trung tâm TDTT Quốc phòng 4 đóng góp 7 em, trong đó có 2 gương mặt nổi bật là Nguyễn Quang Thuấn và Nguyễn Thị Mỹ Xuyên, đều sinh năm 2006. Quang Thuấn chính là em trai Ánh Viên, bắt đầu được tuyển vào "Quốc phòng 4" từ năm 2015, Thuấn có "gien cao" của gia đình và sự kiên trì, nhẫn nại của chị.
Trong căn nhà treo gần 300 tấm huy chương các loại của Ánh Viên, cậu em Thuấn cũng có chỗ riêng cho mình để treo hơn 40 tấm huy chương từ các giải trẻ.
Kỳ tới: Nỗi lòng người thầy
Bình luận (0)