Trong lịch sử V-League, chưa có phó chủ tịch CLB nào lại tạo ra những tranh cãi lớn như trường hợp Lê Công Vinh, khi cựu tiền đạo này nhận lời ngồi vào chiếc “ghế nóng” mà những nhà đầu tư của CLB TP HCM đã giao phó. Bức xúc thì nhiều nhưng vấn đề mà giới chuyên môn, cựu cầu thủ bóng đá Sài Gòn cho đến các CĐV khi được hỏi đều lúng túng, đó là “nên ủng hộ bản sắc nhưng thành tích nghèo nàn hay đã đến lúc phải thay đổi cách đón nhận?”, liệu bản sắc có song hành được với thành tích?
Người hâm mộ bóng đá TP HCM đã có một thời rất tự hào về những đại diện của mình là Cảng Sài Gòn, Công an TP HCM hay Hải quan. Tuy nhiên, khi V-League ra đời, các đội bóng đó hoặc phải giải thể hoặc phải giao cho các doanh nghiệp quản lý. Tuy nhiên, sự xuống cấp của các trung tâm đào tạo trẻ như trường năng khiếu nghiệp vụ đã kéo theo sự sa sút không phanh của bóng đá TP trên bản đồ bóng đá nước nhà. Năm 2009, niềm tự hào còn sót lại của bóng đá TP là CLB Cảng Sài Gòn chính thức đổi tên thành CLB TP HCM, kéo theo việc toàn bộ hội CĐV Cảng Sài Gòn giải tán.
Những năm sau đó, người yêu bóng đá TP HCM phải tập làm quen với một loại hình CLB mới, nhạt nhòa bản sắc, chỉ cần thành tích. Lần lượt Navibank Sài Gòn (tiền thân là Quân khu 4) rồi Sài Gòn Xuân Thành (tiền thân là Xuân Thành Hà Tĩnh, sau là Hòa Phát V&V) lần lượt nhập “hộ khẩu” TP HCM. Sân Thống Nhất lại sáng đèn mỗi cuối tuần, còn khán giả TP HCM dù ban đầu chê bai nhưng sau vẫn chịu khó đến sân cổ vũ, nhất là ở những trận đấu có tính chất quyết định với các đối thủ mạnh khắp V-League.
Đáng tiếc là sau vài năm sắm vai đại diện bóng đá TP HCM, lần lượt Navibank Sài Gòn đến Sài Gòn Xuân Thành đều giải thể vì các ông chủ không còn mặn mà với bóng đá khi công việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Chứng kiến sự thiếu bền vững, những người có trách nhiệm của bóng đá TP HCM buộc phải thiết lập đề án xây dựng lại một đội bóng TP HCM vững mạnh với truyền thống và bản sắc riêng của người Sài Gòn.
Trên đề án, những con người của TP HCM sẽ là những biểu tượng của đội bóng, từ đó hình thành CLB có bản sắc riêng và cũng là một phần của TP HCM. Đấy cũng là lý do LĐBĐ TP HCM chấp nhận xóa đi làm lại từ tuyến trẻ, được đào tạo từ con người và ban huấn luyện TP HCM. Họ kiên trì với lộ trình dài hơi một cách bền vững, cùng mục tiêu sau 3 mùa sẽ lên chuyên nghiệp. Họ không đi theo vết xe đổ dùng tiền mua suất chuyên nghiệp hoặc kéo cầu thủ giỏi từ ngoại tỉnh về để làm mạnh đội bóng.
Thế nhưng, khi lên đến chuyên nghiệp rồi thì đề án đã có thay đổi. Những nhà đầu tư quyết định giao chiếc ghế phó chủ tịch CLB cho Công Vinh, chân sút thành công nhất lịch sử bóng đá Việt Nam. Vấn đề là Công Vinh không xuất thân từ TP HCM, không kiên nhẫn để xây dựng một đội bóng mang bản sắc nhưng thiếu nhạy bén thời cuộc. Khi nhận lời từ các nhà tài trợ CLB, Công Vinh phải đặt ưu tiên thành tích lên hàng đầu với hy vọng một đội bóng được xây dựng bởi bộ khung gồm nhiều ngôi sao thì mới có thể chiến thắng, cũng như kéo được người hâm mộ đến sân. Những người làm bóng đá TP HCM lo cho đứa con mà họ gầy dựng 4 năm nay đánh mất bản sắc được họ kỳ vọng. Tuy nhiên, chính họ cũng loay hoay với nỗi lo “tiền bạc, con người như vậy sao cạnh tranh nổi ở V-League”.
Khi Công Vinh đến, ít nhất chân sút xứ Nghệ đã mang đến 4 tân binh có chất lượng ở V-League và chắc chắn ở giai đoạn giữa mùa, CLB TP HCM sẽ còn mua sắm tiếp. Trước mắt, người hâm mộ bóng đá TP HCM hy vọng đội nhà không chỉ trụ lại V-League, đạt kết quả nhất định để từ từ tạo ra bản sắc dù điều này xem ra không hề dễ dàng…
Bình luận (0)